Dự án mang tên Atlas, có sự tham gia của Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Mục tiêu là phát triển phương pháp điều trị trúng đích cho các loại ung thư hiếm gặp, tạo cơ hội để bệnh nhân ngoài Nhật Bản được tiếp cận các liệu pháp tiên tiến.
Nghiên cứu gene trị ung thư sử dụng các công nghệ như phân tích trình tự gene, xác định các biến đổi DNA nhằm giúp bác sĩ đề ra phác đồ điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.
NCCJ cho biết khu vực Đông Nam Á thiếu hệ thống y tế cần thiết để giải quyết số lượng bệnh nhân ung thư đang ngày một gia tăng - hệ quả của tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế.
Bằng cách chia sẻ dữ liệu và mở rộng thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân các quốc gia khác, dự án hướng đến đẩy mạnh phát triển nhiều loại thuốc trong tương lai. Nhật Bản cũng sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn thông qua các chương trình đào tạo và nghiên cứu.
Dự án bao gồm nghiên cứu về phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung và nghiên cứu gene các khối u rắn. Trung tâm cũng đang xem xét tạo ra một cơ sở dữ liệu cho các bệnh nhân mắc ung thư hiếm gặp. Họ chỉ chiếm phần nhỏ trong số hơn 100.000 ca bệnh được chẩn đoán hàng năm.
Kenichi Nakamura, trưởng bộ phận quản lý nghiên cứu tại bệnh viện trực thuộc trung tâm, cho biết: "Chúng tôi muốn tạo dựng một khuôn khổ phát triển, thúc đẩy các loại thuốc điều trị ung thư ở châu Á, bắt kịp với tiến bộ của châu Âu và Mỹ".
Thục Linh (Theo Japan Today)