Sau phiên họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 13/6 thông báo giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức 0-0,1%. Động thái này đã được thị trường dự báo từ trước.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết cơ quan này không loại trừ khả năng nâng lãi suất tháng 7, do đồng yen yếu kéo chi phí nhập khẩu lên cao. "Tùy vào số liệu kinh tế và giá cả khi đó, chúng tôi vẫn có khả năng nâng lãi suất và điều chỉnh chính sách kích thích tiền tệ", ông giải thích trong cuộc họp báo.
BOJ cũng cho biết sẽ giảm quy mô mua lại trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Việc này có thể bắt đầu sớm nhất là đầu tháng 8. Trước phiên họp kế tiếp vào cuối tháng 7, BOJ sẽ thu thập ý kiến của các bên liên quan và đưa ra kế hoạch chi tiết về việc giảm mua lại trái phiếu trong 1-2 năm tới.
Sau khi các thông báo trên được đưa ra, yen Nhật mất giá 0,5% so với USD. Hiện mỗi USD đổi được 157,8 yen. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm cũng giảm 0,44% về 0,94%.
Ngược lại, thị trường chứng khoán Nhật Bản khởi sắc. Chỉ số Nikkei 225 đảo chiều tăng 0,68%. Topix tăng 0,71%.
Hồi tháng 3, BOJ nâng lãi suất lần đầu trong 17 năm, chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới. Tuy nhiên, cơ quan này khi đó cho biết vẫn tiếp tục mua trái phiếu chính phủ với mức 6.000 tỷ yen (38,17 tỷ USD) một tháng.
Việc mua lại quy mô lớn giúp ổn định lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm quanh 1%. Tuy nhiên, động thái này lại gián tiếp gây sức ép lên đồng yen.
Hôm 8/5, Thống đốc Ueda từng tuyên bố sẽ rà soát kỹ diễn biến giảm gần đây của yen để đưa ra chính sách tiền tệ. Cuối tháng 4, yen có thời điểm xuống 160 JPY một USD - thấp nhất 34 năm. Việc này khiến BOJ phải chi hàng chục tỷ USD để can thiệp hỗ trợ.
"Đồng yen giảm có tác động tiêu cực lên nền kinh tế và là điều không mong muốn, do nó khiến doanh nghiệp khó làm kế hoạch kinh doanh. Nếu biến động tiền tệ ảnh hưởng, hoặc đe dọa ảnh hưởng đến xu hướng lạm phát, BOJ sẽ phản ứng bằng chính sách tiền tệ", Ueda khi đó khẳng định.
Hà Thu (theo CNBC)