Chế độ ăn uống kiểu mẫu ở Nhật Bản, trong đó gạo là thành phần chính, kết hợp với nhiều loại thực phẩm như cá, thịt, rau, trái cây và sữa, được xây dựng vào khoảng năm 1980. Chế độ này dựa trên quan điểm cân bằng dinh dưỡng và đây không phải lý do duy nhất khiến người Nhật sống lâu. Một đóng góp lớn trong việc nâng cao tuổi thọ người Nhật Bản là việc giáo dục thực phẩm từ sớm trong trường học.
Vào năm 2003, sau cuộc khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia, phát hiện tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng, nhiều người trẻ bỏ bữa sáng, Nhật Bản nhận ra cần hành động để thay đổi thói quen ăn uống. Luật cơ bản về giáo dục thực phẩm (từ gốc shokuiku) được ban hành vào tháng 6/2005.
Luật định nghĩa, shokuiku là nắm bắt kiến thức về thực phẩm cũng như khả năng lựa chọn thực phẩm thích hợp. 22 năm trước đây, kinh tế gia đình trở thành một môn học cốt lõi cho tất cả học sinh ở Nhật Bản, tương tự khoa học và toán học.
Giáo dục thực phẩm hay kinh tế gia đình được phổ biến tại các trường học ở xứ sở mặt trời mọc với cách thức như sau:
- Kinh tế gia đình là môn học bắt buộc đối với cả nam và nữ trong các trường học Nhật Bản.
- Có 4.000 giáo viên dinh dưỡng trên cả nước.
- Học sinh nghiên cứu môn học này từ lớp 5 đến lớp 12.
- Nhiều trường học có vườn và tự trồng lúa.
- Học sinh được tham gia vào việc chuẩn bị bữa trưa, luân phiên phục vụ thức ăn cho thầy cô và bạn học mỗi ngày.
- Tất cả mọi người ngồi cùng và ăn chung ở trường.
- Trong khi ăn, học sinh học về dinh dưỡng.
Mục đích của bộ luật về shokuiku bao gồm:
- Khuyến khích người dân hiểu biết và có khả năng đánh giá về chế độ ăn uống.
- Trên toàn quốc, các phong trào tình nguyện nhằm đẩy mạnh shokuiku cần được phát triển.
- Phụ huynh và các nhà giáo dục cần thúc đẩy shokuiku ở trẻ em.
- Hiểu biết về các vấn đề dinh dưỡng nên được củng cố bằng cách tận dụng mọi cơ hội sẵn có, chẳng hạn ở nhà, ở trường, nơi công cộng hoặc bất cứ đâu. Cần giới thiệu cho trẻ nhiều kinh nghiệm và hoạt động liên quan đến thực phẩm.
- Nâng cao nhận thức và đánh giá cao ẩm thực truyền thống.
Chuỗi cửa hàng McDonald mở cửa ở Tokyo hơn 40 năm trước, đến nay thương hiệu đồ ăn nhanh phát triển mạnh mẽ, nhưng vòng eo người Nhật thì không. Đó là nhờ các lớp học kinh tế gia đình bắt buộc theo kế hoạch của chính phủ.
Theo Takuya Mitani, một chuyên gia giáo dục sức khỏe của Bộ Giáo dục Nhật Bản, tỷ lệ béo phì đã giảm dần từ năm 2003 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mitani cho biết chính phủ ổn định được vấn đề thông qua nhận thức sớm và cung cấp cách tiếp cận giáo dục thực phẩm tích cực trong hệ thống trường công lập.
Phiêu Linh (theo foodandhealthteacher)