Khi võ sĩ hai lần vô địch thế giới môn judo Chizuru Arai đánh bại đối thủ người Áo Michaela Polleres trong trận chung kết hạng 70 kg nữ, Nhật Bản đã giành được huy chương vàng thứ sáu ở môn võ này tại Thế vận hội Tokyo.
Kể từ Thế vận hội Rio 2016, Nhật Bản đã cử các chuyên gia phân tích đến hầu hết các giải đấu judo quốc tế lớn để ghi lại và phân tích video của hơn 4.000 võ sĩ. Kết quả phân tích này được sử dụng trong quá trình tập luyện của vận động viên và huấn luyện viên.
Ở hai giải judo vô địch thế giới gần đây, các trọng tài thường có xu hướng cho điểm cao các đòn ném và các biến thể của nó hơn là các động tác hào nhoáng như quật qua vai. Naohisa Takato, võ sĩ vừa giành huy chương vàng judo 60 kg nam, và huấn luyện viên Minoru Konegawa đã điều chỉnh chiến thuật thi đấu trước những dự đoán rằng sẽ có nhiều đối thủ cố gắng ra đòn ném.
Đối với Shohei Ono, huy chương vàng môn judo 73 kg nam, huấn luyện viên Yusuke Kanamaru sử dụng Big Data để theo dõi số lượng shido, hay cảnh báo của các trọng tài trong khoảng 13.000 trận đấu kể từ năm 2019. Nhờ vào kết quả phân tích, Ono biết rằng các trọng tài hiện nay đưa ra cảnh báo shido ít hơn khoảng 15% so với quá khứ, nên vẫn bình tĩnh ngay cả khi nhận hai shido trong trận đấu hôm 26/7, cuối cùng chiếm ưu thế trong hiệp phụ nghẹt thở.
Liên đoàn Judo toàn Nhật Bản cũng xếp hạng các đối thủ nước ngoài bằng công thức được sử dụng rộng rãi trong các giải đấu cờ vây và bóng đá thay vì dựa vào bảng xếp hạng tính dựa trên thành tích thi đấu của thế giới. Takanori Ishii, thành viên phòng nghiên cứu và khoa học của liên đoàn cho biết: "Chúng tôi có thể đo lường chính xác khả năng thực tế của các vận động viên và xác định những người mà chúng tôi cần đặc biệt chú ý, ngay cả khi họ được xếp hạng thấp về mặt kỹ thuật".
Ngoài ra, từ năm 2019, liên đoàn Judo Nhật Bản cũng theo dõi chỉ số chất béo, cơ và xương của các vận động viên hàng ngày, cảnh báo họ về bất kỳ chỉ số bất thường nào thông qua ứng dụng nhắn tin Line.
Hệ thống này được đưa ra nhằm rút kinh nghiệm từ Olympic Rio, khi tình trạng sức khỏe không ổn định dẫn đến trận thua quan trọng. Ishii cho biết: "Chúng tôi theo dõi chỉ số mệt mỏi và các vấn đề khác mà mắt thường không nhìn thấy nhằm lập kế hoạch nghỉ ngơi và chương trình luyện tập".
Big Data cũng đóng một vai trò quan trọng đối với đội bóng đá nữ Nhật Bản, đội đã đánh bại Chile với tỷ số 1-0 hôm 27/7 để đảm bảo một suất vào tứ kết.
Đối với trợ lý huấn luyện viên Morinao Imaizumi, chỉ số quan trọng cần theo dõi là tỷ lệ cú sút dự kiến, dựa trên các thông tin như khoảng cách, góc và số lượng cầu thủ phòng ngự trên đường đi bóng. Công cụ mà Imaizumi lựa chọn là Sportscode, phần mềm cho phép ông phân tích màn thể hiện của từng cầu thủ tại các điểm cụ thể trong trận đấu và đưa ra các gợi ý chi tiết, bao gồm cả cách sút bóng.
Imaizumi nói: "Điều quan trọng là chúng ta phải tăng cường khả năng xây dựng lại những trận đấu hay, điều này sẽ dẫn đến việc đưa ra quyết định tốt hơn trong các tình huống khác nhau".
Phân tích dữ liệu của các trận đấu trong quá khứ cũng có thể giúp các đội phát hiện ra những điểm cần cải thiện. "Nhìn vào dữ liệu phân tích khiến tôi nhận thức rõ hơn về điểm yếu trong từng lối chơi", hậu vệ Risa Shimizu nói. "Bây giờ, tôi phải đảm bảo kiểm tra các con số được đưa ra trước mỗi trận đấu. Tuy nhiên, kinh nghiệm cá nhân của các huấn luyện viên vẫn là điều quan trọng nhất. Với dữ liệu trực quan để chứng minh, các cầu thủ hoàn toàn có thể bước ra sân với sự tự tin".
Ở bộ môn xe đạp biểu diễn BMX, vận động viên Rim Nakamura được tập luyện tại một cơ sở đào tạo thông minh mới hoàn thành năm ngoái để phân tích tốc độ và chuyển động của anh, giúp anh thành thạo các thao tác khó hơn.
Các vận động viên leo núi Tomoa Narasaki và Akiyo Noguchi cũng đang nhận được sự ủng hộ từ công ty KDDI. Các vận động viên sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo của KDDI để xác định trọng tâm dựa trên vị trí các khớp hoặc để hình dung tư thế từ nhiều góc độ khác nhau. Thông tin này cho phép họ leo nhanh hơn và thẳng hơn.
Trong quá khứ, những dữ liệu quý giá như vậy không phải lúc nào cũng có sẵn cho các huấn luyện viên. Nhưng các bên liên quan đang nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng các vận động viên được hưởng lợi nhiều nhất từ những hiểu biết này. Tại Liên đoàn Judo Toàn Nhật Bản, bộ phận khoa học và nghiên cứu thường xuyên trao đổi với các huấn luyện viên và chuyên gia dinh dưỡng về cách biến dữ liệu thành ứng dụng thực tiễn.
"Tất cả những điều này chỉ là thông tin khi chúng tôi thu thập được", Ishii nói. "Chìa khóa là biến nó thành trí thông minh".
Đăng Thiên (theo Nikkei Asia)