Cũng theo Luật Bồi thường mới ban hành, vợ/chồng mỗi nạn nhân cũng sẽ được hưởng 5 triệu yên. Nếu cả hai đều chết, gia đình họ có thể yêu cầu bồi thường thay.
Ngoài ra, khoản thanh toán một lần là 2 triệu yên sẽ được cung cấp cho những người đã bị phá thai cưỡng bức. Để hỗ trợ các nạn nhân trong quá trình nộp đơn, chính phủ đã thiết lập hệ thống cung cấp hỗ trợ pháp lý miễn phí.
Luật có hiệu lực vào ngày 17/1, khi Chính phủ bắt đầu chấp nhận đơn xin bồi thường. Các yêu cầu có thể được nộp cho đến ngày 16/1/2030.
![Một nạn nhân (áo trắng) nộp đơn yêu cầu bồi thường cho việc triệt sản cưỡng bức, hôm 17/1 tại Tòa nhà Chính quyền Thủ đô Tokyo. Ảnh: Japan Times](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/ta-i-xuo-ng-jpeg-1739427942-2179-1739428743.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=meREJqAStkTYdAWIYFiIXQ)
Một nạn nhân (áo trắng) nộp đơn yêu cầu bồi thường cho việc triệt sản cưỡng bức, hôm 17/1 tại Tòa nhà Chính quyền Thủ đô Tokyo. Ảnh: Japan Times
Luật Bồi thường do một nhóm các nhà lập pháp phi đảng phái soạn thảo được ban hành, mở đầu bằng lời xin lỗi chân thành từ cả Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản.
Việc bồi thường được thông qua, sau phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao vào tháng 7/2024, tuyên bố Luật Bảo vệ ưu sinh của nước này năm 1948 là vi hiến và buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo Luật Bảo vệ ưu sinh ra đời năm 1948, nhiều cá nhân khuyết tật đã bị triệt sản bắt buộc, đặc biệt là vào những năm 1950. Giới lập pháp Nhật Bản cho rằng đó là biện pháp cần thiết để "ngăn gia tăng số hậu duệ kém chất lượng dưới góc độ ưu sinh, đồng thời bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người mẹ".
Các điều khoản ưu sinh của luật vẫn có hiệu lực cho đến khi chúng bị bãi bỏ trong bản sửa đổi năm 1996.
Theo Cơ quan Trẻ em và Gia đình, ước tính có khoảng 25.000 người bị ép triệt sản theo Luật Bảo vệ Ưu sinh trong giai đoạn 1948-1996 và nay đủ điều kiện được bồi thường, trong đó khoảng 8.400 người vẫn còn sống.
Số lượng vợ/chồng đủ điều kiện được bồi thường ước tính là 7.600, bao gồm cả những người đã chết, trong khi số lượng nạn nhân phá thai ước tính là 15.000, bao gồm cả người đã chết.
Nhiều nạn nhân gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng để hỗ trợ cho khiếu nại của họ. Trong trường hợp phá thai, không có vết sẹo phẫu thuật nào còn lại và hồ sơ lưu giữ tại các cơ sở y tế rất khan hiếm.
Để ứng phó, các tổ chức như Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đã giới thiệu một hệ thống hỗ trợ pháp lý miễn phí nhằm khuyến khích càng nhiều nạn nhân và gia đình nộp đơn càng tốt.
Theo đó, nạn nhân đến các văn phòng quận để nộp đơn xin bồi thường có thể được giới thiệu đến luật sư được đào tạo chuyên biệt theo yêu cầu. Luật sư sẽ hỗ trợ tổ chức bằng chứng khách quan và chuẩn bị các tuyên bố cần thiết cho đơn xin bồi thường.
Trước khi có Luật Bồi thường hiện hành, một luật năm 2019 đã cung cấp khoản thanh toán một lần thống nhất là 3,2 triệu yên cho các nạn nhân bị triệt sản cưỡng bức. Tuy nhiên, tính đến tháng 11 năm ngoái, chỉ có 1.154 nạn nhân được công nhận đủ điều kiện để được cứu trợ tài chính.
Một số nạn nhân không tiết lộ việc triệt sản bắt buộc của họ với gia đình hoặc không muốn sống lại những trải nghiệm đau đớn của họ.
Do quy định bồi thường năm 2019 không bảo vệ tính bảo mật danh tính cho nạn nhân, đây được coi là một yếu tố dẫn đến số lượng người nộp đơn thấp.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang khởi động một sáng kiến mới để ngăn chặn những bất công tương tự trong tương lai. Tháng 12/2024, chính phủ đã thông qua một kế hoạch hành động nhằm nâng cao nhận thức của công chức về nhu cầu xóa bỏ sự phân biệt đối xử và định kiến đối với người khuyết tật, rút ra bài học từ luật bảo vệ ưu sinh đã không còn hiệu lực.
Thủ tướng Shigeru Ishiba nhấn mạnh: "Để đạt được một xã hội thực sự hòa nhập, toàn bộ xã hội phải thay đổi".
![Những người biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế quận Los Angeles vào năm 1974 phản đối việc Triệt sản Cưỡng bức theo thuyết ueu sinh. Ảnh:LA Times](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/13/200916033740-03-forced-sterili-6937-8619-1739428743.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aL29qSiyEYIn7BDExO-dKA)
Những người biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế quận Los Angeles vào năm 1974 phản đối việc triệt sản cưỡng bức theo thuyết ưu sinh. Ảnh: LA Times
Đầu những năm 1900, thuyết ưu sinh thịnh hành ở nhiều nước, với quan điểm người ngoại hình xấu, kém thông minh hoặc khuyết tật nên bị cấm sinh đẻ.
"Đần độn", "kém cỏi" và "mất trí"... là những thuật ngữ khắc nghiệt thường được sử dụng trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi đề cập đến những người chậm phát triển trí tuệ.
Nhằm cải thiện "chất lượng giống nòi", thuyết ưu sinh ra đời, khuyến khích nhân giống các cá nhân "đặc biệt ưu tú" và hạn chế tối đa nguồn gen "xấu", vì lợi ích chung của cộng đồng.
Các biện pháp bao gồm cấm kết hôn với người IQ thấp, ngoại hình không ưa nhìn, cưỡng bức triệt sản với những người "không thích hợp để sinh sản", gồm những người khuyết tật về tinh thần hoặc thể chất, IQ thấp, tội phạm, đồng tính, người dân tộc thiểu số...
Thuyết ưu sinh trỗi dậy mạnh mẽ ở Anh, sau đó lan sang khắp châu Âu, Australia, Canada, Nhật Bản và Mỹ.
Ngôn ngữ đề cập đến thuyết ưu sinh đã bị xóa khỏi luật Mỹ hiện hành từ năm 1988 và được sửa đổi vào năm 2013. Theo đó, chỉ cho phép triệt sản tự nguyện đối với những người từ 18 tuổi trở lên, sau khi bệnh nhân đồng ý bằng văn bản và bác sĩ đã thông báo cho bệnh nhân về hậu quả cũng như các phương pháp tránh thai thay thế.
Hải Thư (Theo Japan Times, History, Embryo, Oyez, Jstor)