Thạc sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, bệnh nhân nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng phải kê cao đầu mới thở được, khó nói chuyện.
![]() |
Khối gân bò kẹt trong thực quản của bệnh nhân. |
"Nội soi bằng đường miệng, chúng tôi phát hiện một cục gân bò có đường kính khoảng 5 cm kẹt ở thực quản. Dị vật quá to có nguy cơ vỡ thực quản, các bác sĩ đã phải đưa dụng cụ cắt nhỏ miếng gân trước khi gắp ra", bác sĩ Phương nói.
Ngay sau khi được "giải phóng" dị vật, bệnh nhân lập tức khỏe hẳn, hết khó thở, không còn tức ngực và có thể nói chuyện bình thường.
Bệnh nhân cho hay, mải mê nói chuyện khi ăn bún bò, ông đã sặc và nuốt một miếng gân. "Tôi đã tự tìm đủ mọi cách để nuốt xuống như uống nhiều nước, ưỡn ngực, vươn vai, rồi lại tìm cách tự làm cho ói ra nhưng tất cả đều vô hiệu, thậm chí còn nghẹn ngực và khó thở nhiều hơn", ông nói.
Theo bác sĩ Phương, nếu không được nội soi để gắp ra kịp thời, bệnh nhân sẽ nguy hiểm vì miếng thịt chèn ép khí quản gây khó thở và suy hô hấp. Quan trọng hơn là với kích thước khá to, miếng thịt làm giãn thực quản, có thể gây vỡ rất nguy hiểm.
Cũng theo ông Phương, một số dị vật như thịt, gân tuy không gây chảy máu, loét hay thủng thực quản như đồ bén nhọn nhưng lại có khả năng gây chèn ép nhiều các cơ quan nằm cạnh đó.
Để tránh tai nạn trên, bác sĩ Phương khuyên khi chế biến thức ăn nên cắt thành các miếng nhỏ. Ăn uống nên nhai kỹ, nuốt từ từ, không ăn vội vàng, không đùa giỡn và nói chuyện tránh nuốt sặc hay hít sặc. Khi lỡ nuốt sặc hay hít sặc, nên nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời, không nên chữa mẹo.
Thiên Chương