Barthes, Roland -
Giữa hai cực này có một loạt các dạng thức trung gian mang tính lịch sử, xã hội và thể loại. Tuy nhiên mọi thứ chưa dừng ở đây: trong mỗi lớp được nên trên lại có thể chia ra được làm hai lớp nhỏ các đơn vị tự sự. Đối với lớp Chức năng, không phải mọi đơn vị thành phần của nó đều "quan trọng" như nhau. Một số đóng vai trò bản lề trong văn bản (hoặc một trong các trích đoạn). Số khác chỉ "lấp đầy" không gian tường thuật chia cắt các bản lề - chức năng. Chúng ta gọi nhóm thứ nhất là các chức năng cốt yếu (hay hạt nhân), còn nhóm thứ hai là chức năng xúc tác, bởi chúng mang tính phụ trợ. Chức năng trở thành cốt yếu khi có một hành động tương ứng mở ra (ủng hộ hay khép lại) một khả năng chọn lựa có ý nghĩa đối với diễn tiến của hành động sau này. Nói một cách ngắn gọn, khi nó tạo ra hay giải quyết được tính mù mờ của hoàn cảnh. Ví dụ, trong một tình huống của cốt truyện có tiếng chuông điện thoại réo vang, chắc chắn việc nhấc hay không nhấc ống nghe đều có khả năng như nhau. Và vì vậy, hành động được phát triển theo các hướng khác nhau phụ thuộc vào điều này. Tuy nhiên giữa hai chức năng cốt yếu vẫn có thể đưa các chi tiết phụ vào. Mặc dù bị các tình tiết này bao bọc nhưng hạt nhân vẫn không đánh mất đi khả năng được lựa chọn: khoảng trống chia cắt câu "điện thoại réo vang" với câu "Bond nhấc ống nghe" có thể được lấp đầy bởi nhiều chi tiết hay miêu tả cụ thể, đại loại như: "Bond bước đến gần bàn, nhấc ống nghe, thả điếu thuốc vào gạt tàn" v.v... Những đơn vị xúc tác này còn thực hiện chức năng của mình chừng nào chúng còn tương liên với hạt nhân. Tuy vậy đây vẫn chỉ là thứ chức năng yếu ớt, ký gửi và một chiều, bởi nó mang bản chất thời ký thuần túy (các đơn vị xúc tác chỉ miêu tả cái chia ngắt hai nút cổ truyện). Trái lại, mối liên hệ chức năng giữa các chức năng cốt yếu mang tính hai chiều: nó đồng thời vừa mang tính thời ký lẫn logic. Các đơn vị xúc tác chỉ ghi lại được trình tự thời gian của sự kiện, còn các chức năng cốt yếu chỉ ra được tính nối tiếp logic của chúng. Quả thật, có đầy đủ cơ sở để kết luận rằng bộ máy cốt truyện vận hành được chính là nhờ sự đan xen giữa trình tự thời gian và trật tự logic của hành động, khi cái xảy ra "sau" một sự kiện nào đó được hiểu như "hậu quả" của sự kiện đó. Trong trường hợp này có thể giả định rằng văn bản của cốt truyện được phát sinh từ những sai lầm có tính hệ thống, logic, được các nhà kinh viện phát hiện từ thời trung cổ, thể hiện bằng công thức post hoc, ergo Proppter hoc. Công thức này có thể trở thành khẩu hiệu của số phận được diễn diễn đạt bằng "ngôn ngữ" văn bản tự sự. Chính sườn cốt truyện do các chức năng cốt yếu tạo nên giúp "hòa tan" logic hành động trong trục thời gian của nó. Thoạt tiên có thể không nhận thấy các chức năng này. Bản chất của chúng không phải nằm ở hiệu quả bên ngoài (giá trị đưa ra, tầm quan trọng, tính độc đáo hay sự dũng cảm của các hành động được mô tả), mà ở ngay yếu tố bất ngờ bao hàm tất cả: chức năng cốt yếu - đó là những điểm mạo hiểm trong lựa chọn, giữa "các nút điều phối" trong văn bản lại tạo ra các "vùng" an toàn, bình lặng, thư giãn. Tuy vậy các "giây phút thư giãn" cũng có vai trò của mình: nên nhớ rằng chức năng tính của các đơn vị xúc tác tuy yếu nhưng không phải không có giá trị trong mối quan hệ cốt truyện. Thậm chí ngay cả khi nó là thừa đối với hạt nhân thì cũng vẫn là một bộ phận của thông báo tự sự. Nhưng các đơn vị xúc tác không khi nào là thừa cả: bất kỳ một chi tiết nào, dù thoạt tiên có vẻ chỉ để lấp chỗ trống trên thực tế đều có vai trò riêng trong tường thuật: nó làm tăng, giảm tốc, kéo lui trở lại, tóm tắt hay tiên liệu diễn biến cốt truyện, đôi khi còn đánh lạc hướng sự chờ đợi của độc giả[6]. Chừng nào một chi tiết bất kỳ trong văn bản vẫn tách ra được, chừng đó các đơn vị xúc tác vẫn còn giữ mức độ căng thẳng về ý nghĩa của ngôn bản tự sự. Dường như chúng ta sẽ mách bảo: ý nghĩa là ở đây, sắp xuất hiện! Từ đó có thể rút ra rằng trong mọi điều kiện có thể, đóng vai trò xúc tác là chức năng định mệnh (nếu dùng thuật ngữ của Jacobson) cho phép thực hiện mối giao lưu giữa người kể và người nhận. Có thể nói như sau: không thể lược bỏ một chức năng cốt yếu nào mà không ảnh hưởng đến cốt truyện. Tương tự như vậy, không thể lược bỏ đơn vị xúc tác nào mà không ảnh hưởng đến ngôn bản tự sự.
Đối với lớp thứ hai, mang tính tích hợp của các đơn vị tường thuật đặc tính, đặc điểm chung của chúng nằm ở việc xuất hiện các mối tương liên chỉ ở cấp độ nhân vật hoặc cấp độ tường thuật. Do vậy các đơn vị này là bộ phận đầu tiên của một quan hệ tham số[7], còn bộ phận thứ hai tiềm ẩn, có đặc điểm liên kết và bao quát đối với một tình tiết cụ thể, một nhân vật hay toàn tác phẩm về tổng thể. Tuy vậy ngay trong lớp đặc tính có thể chỉ ra các đặc điểm theo đúng nghĩa của từ này (chúng lột tả tính cách nhân vật, trạng thái xúc cảm, phác họa bầu không khí nghi kỵ, truyền đạt tâm tư) và cùng với nó là các đặc điểm có tính thông tin cho phép nhận dạng con người và sự kiện trong không gian và thời gian. Có thể lấy ví dụ sau. Ánh trăng đi giữa hai đám mây đen soi qua ô cửa sổ mở toang trong phòng Bond có thể coi là dấu hiệu của đêm hè dông bão, và như vậy chứng tỏ thời tiết ảm đạm, bầu không khí lo lắng, ắt phải diễn ra sự kiện nào đó mà ta chưa được biết đến. Như vậy những cái được biểu đạt của đặc điểm mang tính tiềm ẩn. Trái lại, cái được biểu đạt của thông tin lại được phơi bày ra bên ngoài. Ít ra điều này cũng đúng ở cấp độ cốt truyện mà các chi tiết trực tiếp có nghĩa, hoàn toàn được xác định giữ vai trò cái được biểu đạt. Các đặc tính cần được giải mã: độc giả cần phải nỗ lực để biết cách hiểu tính cách đã cho, hoàn cảnh đã định. Đối với các đơn vị mang thông tin, chúng chứa đựng các thông tin có sẵn. Cũng giống các đơn vị xúc tác, chức năng tính của chúng tuy yếu, nhưng không phải là hoàn toàn không có. Dù có đóng vai trò nhỏ như thế nào đi chăng nữa trong cốt truyện, nhưng các đơn vị mang thông tin (ví dụ, cỡ tuổi chính xác của nhân vật) vẫn tạo ra ảo giác về tính chân thực của điều đang diễn ra, giúp ý tưởng bắt rễ vào hiện thực: các đơn vị mang thông tin là những tay cầm máy quay chuyển tải chất hiện thực vào câu chuyện, với nghĩa này chúng mang một chức năng không thể chối cãi nhưng không phải ở cấp độ cốt truyện, mà là cấp độ tường thuật. [8]
Chức năng hạt nhân và đơn vị xúc tác, các đặc tính và đơn vị chưa thông tin rõ ràng là những lớp cơ bản, dựa vào đó ta có thể phân chia các đơn vị chức năng. Việc phân loại trên cũng cần được làm rõ thêm ở hai khía cạnh sau. Thứ nhất, một đơn vị có thể đồng thời thuộc hai lớp khác nhau: ví dụ, "uống một suất wishky" (trong phòng chờ của sân bay) – là một hành động làm đơn vị xúc tác đối với chức năng cốt yếu "đợi chờ", nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một bối cảnh xác định (đặc tính hiện đại, chỉ ra rằng nhân vật đang thư giãn, chìm đắm trong hồi ức...). Nói cách khác, một số đơn vị có thể đan xen. Theo diễn tiến hành động có thể xảy ra "lối chơi" như sau của các đơn vị này: trong tiểu thuyết Ngón tay vàng để lục soát căn phòng của đối thủ, Bond phải nhờ tới cái vam bẻ khóa của tay trong. Đây chính là chức năng (cốt yếu) thực sự. Khi lên màn ảnh, chi tiết này bị thay đổi: Bond vừa chơi đùa với nhóm chùm chìa khóa của cô hầu phòng mà cô ta không có phản ứng gì. Chi tiết này không những mang tính chức năng mà còn chỉ ra đặc điểm tính cách của nhân vật (xởi lởi và đào hoa). Thứ hai, cần phải thấy rằng cả bốn lớp đã nói ở trên đều gộp chung vào một nhóm rất gần với ngôn ngữ (chúng ta còn quay trở lại vấn đề này sau). Thực chất, các đơn vị xúc tác, các đặc tính và đơn vị chứa thông tin đều mang một đặc điểm chung, đó là dùng để khai triển hạt nhân. Còn các chức năng hạt nhân (chúng ta sẽ nói đến sau) tạo ra tổng thể các thành tố từ một số lượng nhỏ gắn với nhau về logic, bắt buộc và đầy đủ. Đó chính là bộ khung sườn, còn các đơn vị khác sẽ đắp vào đó bằng cách cụ thể hóa vô hạn các cấu tạo hạt nhân. Như đã biết, câu cũng có cấu tạo như vậy, từ các câu đơn giản có thể mở rộng vô hạn bằng cách lặp, thêm, bổ sung... Cũng tương tự như đối với câu, văn bản tự sự cũng có thể bị xúc tác hóa vô hạn. Mallarmé rất coi trọng loại tổ chức cấu trúc này của văn bản, thậm chí đã dùng làm cơ sở cho bài thơ "Ném quân mạt chược" của mình với các "nút thắt" và "tăng tiến", các "từ khóa" và "từ nền trang trí". Bài thơ này có thể coi là biểu tượng của văn bản tự sự và bất cứ một kết cấu ngôn ngữ nào.
(Còn tiếp)
----
Chú thích:
[6] Valéry từng nói về những "dấu hiệu lệch lạc". Các chi tiết "xóa dấu vết" này được sử dụng rộng rãi trong thể loại trinh thám.
[7] Ruve gọi các yếu tố tham số là những yếu tố đảm bảo sự bền vững trong suốt tác phẩm âm nhạc (ví dụ, nhịp đều trong nhạc của Bach hay độc xướng trong hát đơn ca).
[8] Trong "Giới hạn của tường thuật", Genette phân biệt hai loại mô tả: mô tả nền và mô tả ý nghĩa. Các miêu tả ý nghĩa rõ ràng là liên quan đến cấp độ nội dung của tác phẩm, còn miêu tả nền dính dáng đến cấp độ của ngôn bản tự sự. Điều này giải thích việc các miêu tả viền tạo nên toàn bộ "phần" mã hóa của mỹ từ học được gọi là descriptio hay ekphrasis. Mỹ từ học mới hiện nay rất coi trọng loại miêu tả này.