Nguyễn Đình Tú
Tên sách: Nháp
Tác giả: Nguyễn Đình Tú
NXB Thanh Niên
Cách đây chừng hơn chục năm, khi Tú bắt đầu bước vào lộ trình văn chương chuyên nghiệp bằng một số truyện ngắn có tiếng vang, có người đã nhận xét: mỗi truyện ngắn của anh đều ắp đầy hơi thở của tiểu thuyết, thấp thoáng sức nén của trường thiên.
Để giờ đây, cầm cuốn Nháp trên tay, tôi thấy lời nhận xét đó là hoàn toàn chuẩn xác.
Và hơi giật mình. Mới ngày nào giọng văn hơi văn còn hiền hoà, nền nã, lãng mạn dường kia mà giờ đây đã dám phá phách, đáo để, không tránh né bất cứ thứ gì mà cuộc sống khuất lấp và ngổn ngang đang phô bày ra kia. Nói gọn lại là một bút pháp táo tợn và dịu dàng.
Trang bìa cuốn sách. |
Không chương hồi cổ điển, không lớp lang tuần tự, không bố cục rạch ròi, không lê thê kể lể, chẳng cắt nghĩa nọ kia, cũng không chìm vào mớ bòng bong triết lý triết luận mất thì giờ mà những cây bút nghiệp dư thường giẫm phải, ở đây cuốn sách được triển khai thoải mái, tràn chảy theo cảm xúc tự nhiên, trồi sụt theo thân phận đa chiều mà thoạt đầu dễ lầm tưởng rằng, cái anh chàng này lại rơi vào tuỳ tiện, dễ dãi, vào cách tân phá cách bất chấp niêm luật chữ nghĩa do thiếu chân đế, thiếu vốn sống rồi đây. Nhưng khi gấp sách lại, một cảm giác khác lại ùa về, cảm giác ta đang được tiếp xúc với những trang viết, lối viết mới mẻ, lạ, lạ ngay cả cái tên sách như đánh đố: Nháp, đầy dụng công, có ý thức tìm tòi, mang màu sắc một trận đánh đa binh chủng nhằm tạo được một quả đấm thẩm mỹ mạnh nhất thốc thẳng vào cảm nhận người đọc.
Đó là quả đấm của nhịp điệu nhanh, mạnh, hiện đại, cuồng nộ, nhịp điệu của giới trẻ toàn cầu mà trong đó, ta thấy có cả bóng dáng của hip hop, của blog, của thủ thuật cắt dán tinh xảo, ẩn chìm, của nối mạng và án mạng, của các pha tình dục thẳng căng, của những cảnh đời dưới đáy thô rám đến nhợn người, của các tính cách nổi hằn nổi mụn nhưng sau đó, cái kết tủa, điều lắng lại là tình yêu, tình bạn, tình đời thao thiết nhiều khi đến yếu đuối, bịn rịn.
Tiểu thuyết sử dụng ngôi thứ nhất như một dòng tự sự tâm tình nhưng càng vào sâu càng xuất hiện những ngôi khác như thể không sử dụng thì nó tràn nó ứa ra mất.
Tiểu thuyết miêu tả cõi thế thái nhân tình sâu thẳm về cái thiện cái ác, cái cô đơn và lạc loài, cái văn hoá phương Đông, phương Tây, cái giàu sang cái nghèo hèn, cái bi kịch của sự không tìm thấy cái cần tìm và cái bi kịch của nỗi buồn nhược tiểu diễm lệ. Chính hai nỗi bi kịch này đã tạo nên một cặp đồng hành biểu đạt cho hai số phận khi gặp nhau, khi xa nhau, chập chờn, nhức nhối, và cả niềm khao khát tự do và nỗi khổ đau khi vướng vào vòng lao lý... nhưng lại được khai triển trên những hệ thống cảm quan, chi tiết náo hoạt đến mỏng manh dây thép mà nếu không đủ can đảm, không đủ tài, không đủ ý nhị chưa chắc đã dám viết ra.
Một cuốn sách không tránh né chuyện gối chăn xác thịt, thậm chí còn khai thác khá tỉ mẩn kỹ lưỡng nhưng đọc không thấy phản cảm, không thấy ghê ghê. Thì ra, xác thịt đâu chỉ là xác thịt, xác thịt không có tội, qua xác thịt, thậm chí qua cả các pha đồng tính chỉ nghĩ đến đã ớn nổi da gà rồi, ta chỉ thấy một chút xa xót nhen lên với câu hỏi: sao cuộc sống buồn thế, sao cuộc sống có quá nhiều những con người không dám sống đúng mình, sống đầy mặc cảm quẩn quanh, sống cái kiểu thân làm tội đời ích kỷ và tự kỷ như thế? Để rồi, sau tất cả là một tiếng chuông cảnh tỉnh riết róng: hỡi con người, cuộc sống dẫu có trôi nổi đến đâu, có hoà nhập hội nhập văn minh văn hoá đến mức độ nào nhưng một khi đã dửng dưng vô cảm, đã đánh mất bản ngã, đánh mất hạt nhân dịu ngọt của tâm hồn, đánh mất niềm cảm thông vô bờ bến với nhau thì mọi sự sẽ trở nên vô cùng ảm đạm.
Với cuốn sách này, Nguyễn Đình Tú hoàn toàn đã có thể ngẩng cao đầu bước tiếp trên con đường tiểu thuyết mênh mang nắng gió nhưng cũng quá đỗi chông gai nhọc nhằn.
Chu Lai