Tết đã qua nhưng không khí của mùa xuân vẫn còn thật rộn ràng. Tết này với tôi thật bình yên và ấm áp. Không chỉ bởi tôi có một cái Tết đủ đầy hơn mọi năm mà vì hai mẹ con tôi được đón Tết trong căn nhà mới.
Ngôi nhà của tôi...
Đứng bên đường ngắm nhìn nó, lòng tôi đan xen bao cảm xúc. Tôi đã sống những năm tháng tuổi thơ và lớn lên ở đây. Bao cái Tết đã trôi qua lặng lẽ. Trong ký ức, hình ảnh những ngày Tết đã xa chợt trở lại với những âm thanh, những sắc màu.
Tết của tuổi thơ tôi là những Tết nghèo. Trong khi tụi bạn cùng xóm đứa nào cũng xúng xính khoe bộ quần áo mới thì tôi mặc lại bộ quần áo cộc của chị họ. Tụi bạn được ăn bánh chưng và mứt kẹo thỏa thuê, còn tôi thòm thèm với chiếc bánh và hộp mứt bé xíu. Bữa cơm ngày Tết của nhà tôi chẳng khác ngày thường là bao. Mẹ để dành cho tôi mấy miếng thịt cùng lời dỗ dành: sang năm, nhà mình ăn Tết to hơn. Nhưng năm này rồi năm nữa, tôi vẫn đón Tết như vậy.
Lớn thêm một chút, ý niệm về Tết trong tôi ngày một rõ nét hơn. Tết không chỉ có bánh chưng, các loại mứt, kẹo cùng tiền lì xì mà Tết còn là sắc màu của hoa. Hoa đào của xứ Bắc, hoa mai ở phương Nam và vùng núi cao có hoa mơ, hoa mận. Qua lời kể của người lớn, tôi hình dung các loài hoa Tết trong trí tưởng tượng của mình. Hoa mai vàng rực, hoa mơ và hoa mận trắng muốt. Chỉ riêng hoa đào là tôi không lạ. Ngày Tết, trong xóm tôi hầu như nhà nào cũng mua hoa về chưng. Thường là cành đào, chậu quất hay giản dị hơn là chục lay-ơn, khóm violet, chậu cúc. Những buổi chiều giáp Tết, tôi đứng ngóng ngoài ngõ chờ những người đi chợ về qua để ngắm hoa. Giữa những loài hoa Tết khác, tôi chỉ thấy hoa đào đẹp nhất. Những chiếc lá xanh nõn, nụ hoa bé xinh và những cánh hoa màu hồng phấn.
Một chiều muộn, tôi chạy sang nhà đứa bạn trong xóm. Nó đang lượm mấy nhánh đào nhỏ gom lại. Thấy tôi, nó hớn hở chỉ cho tôi xem cành đào đã được cắm trong bình. Tôi khen cành đào đẹp mà nghe lòng mình buồn buồn. Đứa bạn hỏi nhà bạn có cành đào chưa. Tôi nói chưa rồi bảo chắc là không có đâu. Chưa năm nào Tết nhà tớ mua cành đào vì nhà tớ không có tiền. Nói rồi, tôi cúi đầu nín lặng, thấy cổ mình nghèn nghẹn và mắt nong nóng. Đứa bạn cầm những nhánh đào vừa gom, trao vào tay tôi "Cho bạn đó, mấy cành be bé này, bố tớ tỉa bớt đi nhưng cũng có lá, có nụ hoa".
Nó chỉ cho tôi xem những nhánh cây gầy gầy với vài cái nụ bé tí cùng dăm chiếc lá. Nó hối tôi cùng về nhà, kiếm được cái vỏ lon, đổ nước rồi cắm mấy nhành đào vào. Hai đứa hì hụi cắm xong rồi bày lên bàn cạnh cửa sổ. Buổi tối, ăn cơm xong, tôi náo nức khoe mẹ. Mẹ tôi lặng im không nói. Sáng hôm sau ngủ dậy, tôi chạy lại chiếc bàn thì những nhánh đào của tôi đã biến mất. Tôi tìm khắp nhà nhưng vô vọng. Tôi hỏi mẹ, mẹ bảo bận việc không để ý. Thấy tôi xịu mặt, mẹ nói chắc là chuột tha mất rồi. Cả buổi hôm đó, tôi buồn thiu. Sau này lớn lên, tôi mới biết là mẹ tôi đã mang bỏ những nhánh đào đi. Có thể mẹ tôi nghĩ tôi trẻ con, ưa nhặt nhạnh mấy thứ về chơi rồi bày bừa. Hay mẹ tôi tủi thân vì gia cảnh nghèo, không có đủ đồ ăn tươm tất cho ba ngày Tết. Sao lại sắm một cành đào. Hay bởi hoa đào còn gắn với một kỷ niệm nào đó. Cũng vì thế tôi cảm thấy thương mẹ tôi nhiều hơn.
Đã bao nhiêu cái Tết đi qua, không có sự hiện diện của cành đào trong ngôi nhà của tôi. Nhưng ngoài kia, hoa vẫn khoe sắc với đất trời mùa xuân. Và đã xa lắm tuổi thơ, nhưng tôi vẫn không quên được nỗi khao khát thơ trẻ ngày ấy. Những nhánh đào lẻ gầy gầy cắm trong vỏ lon cứ chập chờn trong nỗi nhớ.
Ôi! Những cái Tết không có hoa đào...
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Nguyễn Thị Loan