TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nói như trên tại hội thảo Các phương pháp và chương trình tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, chiều 5/4, thêm rằng nhân viên y tế luôn nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ bệnh nhân và gia đình. Tuy nhiên, thực tế họ chỉ là người được đào tạo để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh nên không phải lúc nào cũng thành công.
Khi gặp thất bại trong điều trị, người bệnh và thân nhân thất vọng thì nhân viên y tế càng thất vọng nhiều hơn. Tuy nhiên, do đặc thù nghề nghiệp, họ cần che giấu cảm xúc, tránh bị chi phối. "Chính việc che giấu cảm xúc là một trong những yếu tố dẫn đến áp lực nặng nề", bác sĩ Châu nói.Nếu không được ngăn ngừa, điều trị, nhân viên y tế dễ bị quá tải sức khỏe tâm thần.
Nhiều nghiên cứu cho thấy y bác sĩ có nguy cơ bị stress, trầm cảm, lo âu, kiệt sức cao hơn nhiều lần so với các ngành nghề khác. Stress nghề nghiệp gây tổn thương hệ thần kinh, tăng tỷ lệ bệnh tim mạch, cơ xương khớp, loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, giảm chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm...
Một ngày trước đó, tại hội thảo lấy ý kiến cho đề án xây dựng nền công vụ TP HCM hiệu quả giai đoạn 2024-2030, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng cho rằng nhân viên ngành y tế bị suy sụp về thể chất và tinh thần do quá tải công việc, căng thẳng, cần được quan tâm sức khỏe tâm thần.
Do đó, để cải thiện, bác sĩ Châu nhận định điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức vì thực tế hầu hết người dân vẫn còn định kiến, kỳ thị vấn đề này. "Thậm chí nhân viên y tế không chấp nhận mình có vấn đề sức khỏe tâm thần, người xung quanh cũng không nhìn nhận hay coi là quan trọng", bác sĩ Châu lý giải.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cần nhận biết vấn đề hiện hữu về sức khỏe tâm thần của nhân viên, từ đó có hướng giải quyết thích hợp, tránh ảnh hưởng hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Thời gian qua, Sở Y tế TP HCM đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế. Bên cạnh phát triển tổng đài tư vấn, các bệnh viện thiết lập phòng nghỉ ngơi nhằm cung cấp không gian cho y bác sĩ giải tỏa căng thẳng.
Mỗi bệnh viện có một nhân sự phối hợp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế. Những người này được đào tạo, tập huấn về nhận biết, đánh giá sàng lọc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và quản lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần nhân viên tại đơn vị.
Các lãnh đạo, quản lý được tập huấn để hiểu hơn về vai trò của sức khỏe tâm thần với nhân viên y tế và các phương thức xử lý, vượt qua căng thẳng. Đồng thời, ngành y tế xây dựng sổ tay truyền thông, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng nhận biết và hỗ trợ sàng lọc, can thiệp đối với nhân viên có rối loạn sức khỏe tâm thần.
Năm 2022, Sở Y tế TP HCM triển khai mô hình "cấp cứu trầm cảm", do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP HCM đảm trách.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, những hoạt động này nhằm giúp nhân viên kiểm soát căng thẳng và cân bằng cảm xúc, sàng lọc, phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần, từ đó đảm bảo nguồn nhân lực trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.
Bác sĩ Dũng mới đây cũng đề xuất nhiều giải pháp để giảm tải áp lực cho nhân viên y tế và công chức trong ngành. Đơn cử như phân bổ biên chế công chức hàng năm phù hợp với khối lượng công việc; hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm và sắp xếp công chức, viên chức theo vị trí, nhiệm vụ phù hợp.
"Cần quan tâm và có chính sách hỗ trợ thu nhập mua, thuê nhà cho công chức trẻ, làm việc ở các vị trí đặc thù khó khăn", bác sĩ Dũng đề nghị. Theo ông, thành phố cần có các khảo sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công chức, viên chức đặc biệt nhóm đang nghỉ việc, chờ chuyển việc để "xem họ muốn gì". Từ đó, lãnh đạo có giải pháp hỗ trợ, khích lệ động viên. Đặc biệt, trong bối cảnh nhân viên y tế dễ mắc hội chứng quá tải công việc thì các biện pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần là điều cần thiết.
Qua đó, góp phần quan trọng giúp đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Mỹ Ý