Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đang điều tra làm rõ cách thức y tá Nina Phạm bị lây nhiễm Ebola. Bệnh viện cho biết cô đã đeo găng tay, khẩu trang và tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn. Những vấn đề đặt ra trong quy trình bảo hộ sau ca nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ này đã thúc đẩy mối quan tâm mạnh mẽ của các nhân viên y tế khác.
"Một phần của nỗi sợ hãi trong các y tá và nhân viên y tế là thiếu cách thức, thiếu thiết bị và sự đào tạo chuyên môn", Zeini Cortez, Phó Chủ tịch Hiệp hội Y tá quốc gia, chia sẻ.

Nhân viên y tế Mỹ lo ngại chưa được đào tạo đủ để đối phó bệnh Ebola. Ảnh minh họa: Forbes.
Ông Thomas Frieden, giám đốc Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết hiện hai y tá của Bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta - những người được huấn luyện đặc biệt trong việc chăm sóc bệnh nhân Ebola - đang góp phần đào tạo nhân viên tại Bệnh viện Presbyterian Dallas, nơi điều trị cho Nina Phạm.
"Tôi đã nghe được sự lo lắng từ nhân viên y tế khắp nơi trên đất nước", Frieden nhấn mạnh. CDC đang xem xét liệu bệnh nhân Ebola có nên được chuyển sang một trong bốn bệnh viện chuyên sâu về truyền nhiễm hay không. Ngay cả trong các bệnh viện tốt nhất, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro cho nhân viên y tế nhưng sẽ không bao giờ có thể loại bỏ được nguy cơ", tiến sĩ David Weber, một nhà dịch tễ học tại Đại học North Carolina, cho biết.
Hôm thứ hai, một bệnh nhân nghi mắc Ebola được đưa vào phòng cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Marin, California. Phía bệnh viện nói rằng họ có đủ đồ bảo hộ để thực hiện cách ly, điều trị Ebola theo khuyến cáo của CDC cùng một đội ngũ nhân viên y tế đã được đào tạo. Tuy nhiên, một số y tá rất lo sợ vì chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng. Họ cảm thấy đã không được đào tạo, bảo hộ tốt để đối phó với bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola. Họ hy vọng những ngày tới sẽ có nhiều chương trình rõ ràng hơn cho các nhân viên y tế trên toàn quốc.
Martha Kuhl, một y tá nhi khoa ở Oakland, California, cho rằng việc đào tạo và hỗ trợ thiết bị để giúp nhân viên y tá đối phó với Ebola cần phải được cung cấp nhiều hơn ở khắp mọi nơi.
"Hầu hết các y tá đã không được chuẩn bị đúng cách. Bạn cần phải sẵn sàng. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ tiếp xúc với một bệnh nhân hoặc thành viên gia đình có các triệu chứng bệnh", cô nhấn mạnh.
Ngoài những trăn trở về nghiệp vụ chuyên môn để chăm sóc bệnh nhân, mối lo ngại bị nhiễm bệnh đang tăng cao trong đội ngũ y tế tại Bệnh viện Presbyterian Dallas, Texas, nơi bệnh nhân Thomas Eric Duncan tử vong. Cùng với Nina Phạm, có khoảng 70 nhân viên y tế khác chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Ebola tại thành phố Dallas, Mỹ và những người này cũng có khả năng lây nhiễm.
Lê Phương (theo ABC News, KTVU)