Trong các cuộc phỏng vấn, 51 phụ nữ trên kể lại nhiều vụ lạm dụng, chủ yếu do những người đàn ông mà họ cáo buộc là các nhân viên quốc tế, diễn ra trong đại dịch Ebola 2018-2020, theo cuộc điều tra của hãng tin độc lập New Humanitarian và Quỹ Thomson Reuters.
Cuộc điều tra được tiến hành trong khoảng một năm, trong đó phát hiện ít nhất 30 vụ lạm dụng của những nam nhân viên nhận là làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tổ chức này đã triển khai 1.500 người hỗ trợ chiến dịch do chính phủ Cộng hòa Dân chủ Congo dẫn đầu nhằm kiểm soát đại dịch Ebola.
Phần lớn phụ nữ cho biết họ bị gạ tình, ép quan hệ tình dục để đổi lấy công việc hoặc chấm dứt hợp đồng nếu họ từ chối. Một số nạn nhân kể họ đã bị chuốc rượu, số khác nói bị phục kích trong các văn phòng và bệnh viện, một số bị khóa trái trong phòng bởi những người hứa hẹn giúp họ tìm việc hoặc dọa sa thải họ nếu không nghe lời.
Một số phụ nữ là đầu bếp, nhân viên quét dọn và nhân viên tiếp cận cộng đồng được thuê theo hợp đồng ngắn hạn, kiếm 50-100 USD/tháng, cao gấp đôi mức lương bình thường ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Có một người sống sót sau đại dịch Ebola đang tìm kiếm sự giúp đỡ về tâm lý. Ít nhất hai người nói họ đã mang thai. Nhiều phụ nữ cho biết đến nay họ vẫn chưa trình báo sự việc vì sợ bị trả thù hoặc mất việc. Hầu hết đều thấy xấu hổ.
Số nạn nhân và lời kể tương tự từ những phụ nữ ở thành phố Beni, phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo, cho thấy tình trạng này diễn ra rộng khắp. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi điều tra đầy đủ các cáo buộc trên.
"Quá nhiều người bị ảnh hưởng", một phụ nữ 44 tuổi nói, kể rằng cô đã quan hệ với một người đàn ông xưng là nhân viên WHO để có việc làm. Cô và những phụ nữ khác chia sẻ sự việc trong tình trạng giấu tên vì sợ bị trả thù.
"Tôi nghĩ không có ai làm việc mà không phải đánh đổi thứ gì đó", cô nói thêm.
WHO cho biết đang điều tra cáo buộc.
"Hành động của những cá nhân tự nhận làm việc cho WHO này là không thể chấp nhận được và sẽ bị điều tra đến cùng", thông cáo của WHO cho hay. "Sự phản bội những người trong cộng đồng mà chúng tôi phục vụ là đáng trách. Chúng tôi không dung thứ cho hành vi như vậy với bất kỳ nhân viên, nhà thầu hoặc đối tác nào của mình".
WHO nhấn mạnh tổ chức này có "chính sách không khoan nhượng với những sự việc liên quan đến lạm dụng tình dục" và "bất kỳ ai được xác định liên quan đều phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, bao gồm sa thải ngay lập tức".
Bất chấp các chính sách "không khoan nhượng", nhân viên của Liên Hợp Quốc (UN) và các tổ chức phi chính phủ từng đối mặt nhiều cáo buộc về hành vi lạm dụng tình dục. Hồi tháng 12, một báo cáo của các học giả Anh cáo buộc các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Haiti đã có"hàng trăm con rơi" với những thiếu nữ địa phương.
Năm ngoái, có 175 cáo buộc lạm dụng tình dục liên quan tới các nhân viên của UN, 16 vụ trong số đó đã được xác thực, 15 vụ không có căn cứ, số còn lại đang được điều tra. Tổng thư ký Guterres cam kết không dung thứ cho những hành vi tình dục sai trái trong các cơ quan của UN.
Anh Ngọc (Theo Guardian)