Sau khi học xong hệ cao đẳng của một trường du lịch, Thùy Liên, với ngoại hình được nhiều người nhận xét xinh xắn và nhanh nhẹn, đã nộp đơn làm lễ tân tại một khách sạn ở Đà Lạt. Covid-19 bùng phát, số lượng khách đến Đà Lạt giảm dần, khách sạn của cô đóng cửa. Được sếp gọi đi làm lại đúng dịp 30/4, sau hai tháng nằm nhà, cô gái trẻ mừng rơi nước mắt. "Lần đầu tiên đi làm mà tôi thấy vui đến thế. Trời hôm ấy như đẹp hơn, và tôi nhìn mọi người ai cũng đáng yêu", cô cười.
Khách sạn của Liên đón hơn 300 khách, kín mọi phòng. Các bộ phận lễ tân, dọn phòng, nhà ăn bận "tối mắt". Liên thậm chí còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ một lúc do khách sạn quá tải. Kết thúc một ngày làm việc, cả người Liên rã rời, gót chân đau vì phải đi lại quá nhiều nhưng cô cho biết chưa bao giờ thấy vui đến vậy. "Chắc đây là kỷ nghỉ lễ vui nhất của tôi. Báo chí đưa tin Đà Lạt thất thủ vì khách quá đông. Nhưng chúng tôi lại bảo nhau, thà thất thủ còn hơn thất nghiệp", Liên nói.
"Lâu lắm rồi không được nghe khách phàn nàn, cau có với lý do: tại sao gọi món được gần tiếng rồi mà nhà hàng vẫn chưa bưng đồ lên dù thực tế, họ mới ngồi đợi được 10 phút. Nhưng giờ, khách nói gì, tôi cũng thấy vô cùng hạnh phúc, vô cùng thân thương", Ngọc Anh, nhân viên nhà hàng tại khách sạn ở Phú Quốc chia sẻ. Với cô gái 27 tuổi này, gặp khách hàng, được đi làm giúp cô có cảm giác như "sống lại".
Thanh Trúc, giám sát 28 tuổi tại một nhà hàng trong khách sạn ở Quy Nhơn, cho biết: "Được cười, được nói chuyện với khách khiến tôi cảm thấy trở lại là mình của ngày xưa". Trúc nghỉ dịch 1,5 tháng. Trong thời gian ở nhà, cô vô cùng nhớ các vị khách, nhớ công việc. Công việc đặc thù của nhân viên khách sạn là phải luôn tươi tười với khách, và đôi khi điều đó là một lợi thế. Vì phải thường xuyên nói chuyện vui vẻ với khách nên Trúc cũng quên đi những chuyện buồn của mình.
Còn với Lan Anh, ngày đầu đi làm lại của cô không mấy suôn sẻ. "Tôi phải làm thủ tục cho hai khách vợ Việt chồng Mỹ nhận phòng. Nghỉ dịch ở nhà quá lâu, tôi gần như quên hết vốn từ ngoại ngữ. Vì vậy, khi nói chuyện với vị khách người Mỹ, tôi run như lần đầu nói tiếng Anh vậy".
Cùng chung cảm giác luống cuống như Lan Anh là Thủy Tiên, lễ tân một khách sạn ở Đà Nẵng. "Nghỉ ở nhà một tháng, nên khi nhận điện thoại từ quầy lễ tân, tôi nói 'Alo' xong đứng ngẩn ra một lúc vì không biết phải nói gì tiếp theo. Trước đây, cứ nhấc điện thoại lên là nói như máy. Giờ bị khớp". Sau đó, Tiên phải vào nhà vệ sinh đứng một lúc để lấy lại bình tĩnh, và nhớ lại "bài" trả lời khách hàng mà cô vẫn dùng trước đây.
Tiên nói, câu hỏi "Khách sạn còn phòng không? Chị muốn đặt phòng" của khách trước bình thường. Nhưng sau dịch, chưa bao giờ cô thấy câu nói ấy thân thương đến vậy. Nó gợi cho Tiên về cảm giác bình yên của những ngày tháng bận rộn trước kia, và cũng mang lại cho những người làm trong ngành nhà hàng - khách sạn như cô hy vọng về một tương lai tươi sáng khi Covid-19 được đẩy lùi.
Xem thêm: Nỗi lo của hướng dẫn viên trong mùa dịch.
Phương Anh