Theo Wang Fang, giáo sư tâm lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, những nhân viên này hầu hết đi lên từ "học sinh kiểu mẫu" - sản phẩm của hệ thống giáo dục truyền thống tồn tại suốt nhiều năm của Trung Quốc. Họ là những người chỉ biết nghe lời giáo viên, phụ huynh và không ngừng theo đuổi những thành tựu xuất sắc.
Tuy nhiên, lối giáo dục này đã vô tình tạo ra một thế hệ lao động không dám thoát khỏi sự tuân phục quyền lực. Biểu hiện đặc trưng nhất của những nhân viên này là chọn cách làm việc điên cuồng, nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Nhưng khi phải đối mặt với áp lực, bị cấp trên chỉ trích họ lại im lặng và nhận mọi sai lầm về bản thân thay vì phản kháng. Không ít người chia sẻ cảm giác xấu hổ, tuyệt vọng khi bị sếp trách mắng. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều lao động suy sụp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Trên thực tế, những nhân viên này đều là những người có năng lực, biết khái quát công việc nhưng do không biết bảo vệ quan điểm và giá trị của bản thân nên phải đối mặt với sự bóc lột nhiều nhất.
![Nhiều nhân viên Trung Quốc đang miệt mài làm việc đến kiệt sức, mong nhận sự công nhận của cấp trên. Ảnh minh họa: Shutterstock](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/08/30/666666666-289-7360-1693390244.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FZ5IiXO5LUKoNdxhiKIKRA)
Nhiều nhân viên Trung Quốc đang miệt mài làm việc đến kiệt sức, mong nhận sự công nhận của cấp trên. Ảnh minh họa: Shutterstock
Đầu năm nay, một số nhân viên thường xuyên chịu đựng những áp lực vô hình từ công việc đã thành lập một cộng đồng mang tên "Nạn nhân của tâm lý học sinh ngoan", trên mạng xã hội.
Sau 7 tháng thành lập, nhóm này thu hút hơn 77.000 thành viên. Hầu hết các bài đăng trong đều chia sẻ biểu hiện của các nhân viên giỏi. Họ cùng phân tích tâm lý này đã cản trợ sự phát triển nghề nghiệp, gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý ra sao; cũng như một số cách đối phó với tình trạng bóc lột tại nơi làm việc.
Bài đăng ngày 18/8 trên cộng đồng, một người giấu tên cho rằng việc tuân thủ theo quyền lực, các yêu cầu vô lý của cấp trên có thể khiến con người tổn thương.
"Điều tồi tệ nhất tôi đã chọn để đối phó với sự khắc nghiệt của chốn công sở là tự động hoàn thành nhiệm vụ cấp trên yêu cầu trước khi hết hạn. Tôi hy vọng cách thức này có thể tránh bị sếp hạch sách, chì chiết, hy vọng được thăng chức nhưng mọi việc không như vậy. Làm tốt 10 lần không bằng sai phạm một lỗi", người này nói.
Giáo sư Wang Fang cho biết từ góc độ tâm lý học, cái giá cơ bản nếu phục tùng theo xu hướng này là đánh mất chính mình.
"Mỗi cá nhân đều có giá trị, tài năng riêng, nhưng các nhân viên "giỏi" lại cho rằng bản thân chỉ có giá trị nếu đáp ứng được mọi yêu cầu của cấp trên. Tuy nhiên về lâu dài họ sẽ sớm kiệt sức và mất phương hướng", Wang cảnh báo.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, đội ngũ quản trị của nhóm khuyên các thành viên thử áp dụng phương pháp "tạm biệt kiểu sống ngoan ngoãn hai ngày", nhằm bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần.
"Bằng mọi giá hãy lấy lại quyền tự chủ và biết điểm mạnh của bản thân. Hãy tự đưa ra quyết định, chịu trách nhiệm và kiểm soát cuộc sống của bạn thay vì làm việc đến kiệt sức. Suy cho cùng, bạn cần biết chăm sóc và yêu thương bản thân nhiều hơn", một thành viên trong nhóm nói.
Minh Phương (Theo SCMP)