Cách đây 2 năm, TuArts Nguyen (Nguyễn Tuấn Tú) vẫn ngày ngày đóng bộ sơ mi - quần âu, xách cặp đến ngân hàng, đi mời khách vay tiền rồi cần mẫn thu hồi nợ. Để có thêm thu nhập ngoài tiền lương dưới 10 triệu đồng hàng tháng, Tú thường nhận chụp những bộ ảnh cưới, thời trang... vào cuối tuần cho bạn bè, người quen. Đây là nghề tay trái anh có được khi còn là một sinh viên ngân hàng.
Ngã rẽ chỉ thực sự đến với Tú vào tháng 10/2012 khi mong muốn có một công việc kinh doanh riêng, được làm chủ, cộng với quan niệm không thể làm tốt nếu không chuyên tâm thôi thúc anh bỏ hẳn việc tại ngân hàng để lập một studio ảnh cưới chuyên nghiệp.
"Mọi người trong gia đình đều bất ngờ, phản đối. Chỉ bố tôi ủng hộ, bởi ông hiểu làm nghề này không đơn thuần là đi buôn một món hàng rồi đem về bán. Chụp bất kỳ thể loại ảnh nào cũng cần sự sáng tạo. Đổi lại, giá trị thặng dư sau mỗi sản phẩm sẽ là cơ hội để mình làm một ông chủ đúng nghĩa", Tú tâm sự.
Học ngân hàng, có 2 năm làm tín dụng doanh nghiệp, Tú cho rằng lợi thế của mình khi gia nhập thị trường ảnh cưới vốn đã rất chật chội là hiểu chuyện kinh doanh, vai trò của khách hàng, marketing và quản lý dòng tiền. Điều này càng trở nên quan trọng khi nguồn lực ban đầu để khởi nghiệp không quá dồi dào: 200 triệu tích góp và vay mượn được, bộ đồ nghề đang sử dụng và 4 nhân sự thân tín. "Tôi luôn cố gắng tiếp cận vấn đề đặt ra bằng suy nghĩ của một doanh nhân, không phải nghệ sĩ hay một thợ chụp ảnh", chàng trai có bề ngoài chín chắn hơn nhiều so với độ tuổi 25 nói.
Bài toán quan trọng nhất khi khởi nghiệp, theo Tú là định vị "sân chơi" và khách hàng mục tiêu. Xác định chưa thể nhắm tới phân khúc cao cấp, nơi khách hàng sẵn sàng chi 20-40 triệu đồng hoặc hơn cho một bộ ảnh cưới; cũng không đủ sức "bao sân" nhiều đối tượng khách như các đơn vị lớn, studio của Tú quyết định chỉ tập trung cho thị phần trung cấp. "Khách hàng mình hướng tới là những người trẻ - góp phần đảm bảo ổn định về lượng khách; thích sự độc đáo và có thể chấp nhận chi phí từ 10-15 triệu đồng cho một bộ ảnh", Tú giải thích.
Không chỉ vậy, doanh nhân trẻ này cho rằng không cứ giá rẻ là tốt. "Ai sử dụng dịch vụ cũng muốn mình "có lời", nên việc chăm sóc khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm. Cái quan trọng, là khi chụp một bộ ảnh cưới với chi phí 10 triệu đồng, khách hàng phải thấy nó đáng giá 13-15 triệu", Tú nói.
Để làm được điều này, bên cạnh việc nghiên cứu quy trình in ấn, lựa chọn xưởng in thích hợp để cho màu sắc đẹp, một bí quyết được ông chủ trẻ này tiết lộ là sẵn sàng cho cô dâu mặc những bộ váy mới nhất tại cửa hàng để đi chụp - điều mà không phải studio nào cũng dám làm. "Ban đầu mình nhập váy với mục đích bán hoặc cho thuê trong ngày cưới, sau một vài lần mới mang ra làm váy chụp. Đây là cách mà ai cũng làm. Tuy nhiên, dần dà mình nhận ra việc mặc váy mới khiến khách hàng thấy được nâng niu, có lợi hơn cho việc chụp nên mới quyết định mạnh tay", anh bộc bạch.
Khi studio dần phát triển, với tư duy của một "banker", Tú nhận thấy thấy có nhiều bài toán liên tục phải tính lại, một trong số đó là vấn đề nhân sự. Anh cho biết, chi phí trả lương cố định hiện nay khoảng hơn 80 triệu đồng, chưa kể lương sản phẩm. Lúc đầu anh nghĩ tăng thu nhập là giải pháp để khuyến khích nhân viên nhưng không phải. "Trước đó họ có thể rất nhiệt nhưng khi thu nhập ổn thì lại lười hơn, sức ì lớn", Tú nói.
Do đó, cựu nhân viên tín dụng lại phải đổi chiến thuật, chuyển sang tuyển thêm nhân viên để giảm bớt áp lực cho nhân sự cũ. Tú nhận ra, dù thu nhập tăng nhưng năng suất của mỗi người đã đến một giới hạn nên không thể đòi hỏi hơn được. "Rất bất ngờ là biện pháp này hiệu quả khi có vừa sự cạnh tranh giữa các vị trí lại không phải đốt cháy quỹ lương. Ngoài ra, cách trả lương cứng thấp, lương sản phẩm cao cũng khiến mọi người làm việc tốt hơn", ông chủ này chia sẻ.
Không hối hận vì bỏ nghề ngân hàng giữa chừng nhưng Tú thừa nhận thời gian làm việc trước đây giúp ích không nhỏ cho công việc hiện nay. Học theo các nhà băng, Tú cũng xây dựng một bộ quy trình chuẩn của studio, cho tất cả các vị trí nhân sự để tăng hiệu quả công việc, giảm thời gian và chi phí. Tương tự, anh cũng niêm yết công khai giá chụp ảnh để tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng thay vì chọn cách làm ai hỏi mới gửi email báo giá của một số nơi.
Có trong tay một đội chụp ảnh lành nghề với 4-5 ê-kíp, mỗi tháng studio có thể nhận 50-60 bộ ảnh cưới, mang về doanh thu 400-600 triệu đồng, Tú dồn hết sức vào việc quản lý các ê-kíp và marketing thay vì chỉ chuyên tâm đi chụp.
Anh nhân viên ngân hàng ngày trước, nay đã trở thành ông chủ với thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Giờ đây, Nguyễn Tuấn Tú đang ấp ủ kế hoạch hợp tác hoặc sáp nhập với một thương hiệu may đo vest, áo cưới để mở rộng quy mô và bán chéo sản phẩm tốt hơn. "Quy mô của ngành này không thể bằng ngân hàng. Nhưng giống các nhà băng cách đây mấy năm thôi, nội bộ trong ngành cưới hỏi cũng đang âm ỉ chuyện mua bán sáp nhập, hợp tác để tồn tại. Mình nghĩ đây là con đường tốt để phát triển lâu dài", anh nhận định.
Thanh Thanh Lan