Chiều 18/12, phiên xử Huyền Như tiếp tục với phần xét hỏi của VKS với ngân hàng ACB về các hợp đồng ủy thác cho nhân viên đem tiền sang Vietinbank gửi.
Theo đại diện ACB, ngân hàng này đã ủy thác cho 19 nhân viên thực hiện 34 hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank với tổng số tiền hơn 718 tỷ đồng. Tại thời điểm ủy thác thì Luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực và thực hiện theo quy định của luật này. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của VKS về việc ACB có hay không được phép ủy thác gửi tiền theo giấy phép kinh doanh, đại diện ngân hàng này nói “không nhớ”.
“Việc ủy thác là do ACB tự tiến hành phải không?”, VKS đặt câu hỏi cho đại diện ACB nhưng người này ấp úng nói: “không rõ lắm”. Công tố viên sau đó trích dẫn Luật các tổ chức tín dụng quy định rằng, các tổ chức tín dụng không được tiến hành hoạt động kinh doanh nào ngoài giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Đối với hoạt động ủy thác thì phải theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đại diện ACB sau đó cũng thừa nhận với Viện không có bất kỳ giấy phép riêng nào do Ngân hàng Nhà nước cấp liên quan đến vấn đề ủy thác. Người này cũng thừa nhận biết việc Ngân hàng Nhà nước có thông tư 04 quy định về trần lãi suất tiền gửi VND là 14%.
Tuy nhiên, đại diện của ACB không thể trả lời hai câu hỏi mấu chốt mà VKS đặt tiếp sau đó là: Việc ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền vượt trần lãi suất có gián tiếp vi phạm pháp luật hay không? Việc làm này có tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật khác?
Trả lời VKS về khoản lãi suất vượt trần, Huỳnh Thị Bảo Ngọc (nguyên Phó phòng quản lý quỹ ACB) cho rằng, mức lãi suất này do lãnh đạo ACB đưa ra và không nhớ chính xác con số vì mỗi hợp đồng có mức lãi suất khác nhau. Trước đó, trong phần thẩm vấn buổi sáng bà này từng khẳng định không biết chủ trương của ACB trong việc gửi tiền tại Vietinbank.
VKS sau đó chuyển sang hỏi đại diện cho 19 nhân viên ACB. Trả lời câu hỏi của VKS, người này cho hay, trong thỏa thuận ủy thác không có việc chuyển tiền từ tài khoản cá nhân tiền gửi sang tài khoản tiết kiệm. Bản thân trong hợp đồng cũng không quy định. Việc nhân viên ký vào các lệnh chuyển tiền tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm là làm theo chỉ dẫn của Huyền Như.
“Huyền Như không đủ thẩm quyền sao nhân viên của ACB vẫn ký chuyển theo lệnh của Huyền Như. Như vậy là những nhân viên này thỏa thuận với cá nhân Huyền Như, việc đó đúng hay sai?”, VKS hỏi. Đại diện các nhân viên ACB cho rằng, việc ký chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác là có chữ ký khống. “Có một số là khống. Chỉ với một lệnh chi khống thôi Huyền Như có thể chiếm đoạt tới 50 tỷ đồng rồi”, VKS nói.
Đại diện cho các nhân viên ACB lúc này thừa nhận việc ký vào lệnh chi từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm là sai. Những nhân viên này đã trực tiếp đến Vietinbank ký vào hồ sơ mở tài khoản và ký với đại diện ngân hàng chứ không biết là ai.
Ngay sau đó Như được mời lên thẩm vấn. Bị cáo cho biết việc mở tài khoản tiết kiệm cho nhân viên ACB là sau khi mở tài khoản thanh toán. Như tập hợp lại rồi đưa cho Huỳnh Thị Bảo Ngọc đem về đưa nhân viên ký bổ sung, sau đó đưa lại cho Như. “Trong các bộ hồ sơ đó hình như là không có bộ hồ sơ nào làm giả”, Như nói.
Liên quan đến việc cơ quan điều tra xác định có 2 hồ sơ không phải là chữ ký mẫu như ban đầu, Như cho biết: "Có một phần hồ sơ đầy đủ còn một phần ký khống".
VKS sau đó quay lại hỏi người đại diện cho 19 nhân viên ACB rằng, đã có nhân viên nào khởi kiện Vietinbank để đòi lại số tiền này? Người này cho biết đã kiện tại TAND huyện Nhà Bè và quận 1. Trong vụ án này, các nhân viên ACB kiện với tư cách là nguyên đơn dân sự và ACB là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Về nội dung hợp đồng ủy thác đã ký với chính ngân hàng của mình, đại diện các nhân viên ACB cho biết, theo nội dung hợp đồng ủy thác nghĩa vụ của 19 nhân viên ACB là đem tiềm đi gửi tiết kiệm tại Vietinbank.
“Anh hiểu thế nào là gửi tiết kiệm tại ngân hàng, nhân viên của ACB đã thực hiện đúng nghĩa vụ ủy thác chưa? Thực tế họ đã ký hợp đồng tiền gửi với Vietinbank dưới dạng tài khoản thanh toán chứ không mở tài khoản tiết kiệm. Như vậy một lần nữa họ đã thực hiện đúng nhiệm vụ ủy thác chưa?", chủ tọa chất vấn. Đại diện nhân viên ACB cho rằng “cơ bản là đúng”.
Trước câu hỏi nhân viên ACB có mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP HCM không, người này thừa nhận “không”.
Theo toà, nhân viên ACB chưa hề mở tài khoản tiết kiệm tại Vietinbank nhưng họ đã ký lệnh chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Những tài khoản tiết kiệm này lại do Huyền Như làm giả hồ sơ và lập ra. Việc mở tài khoản tiết kiệm là phải do chính nhân viên ACB trực tiếp đến Vietinbank để mở, còn không muốn thì có quyền từ chối.
“Sự thật là chưa hề mở tài khoản tiết kiệm. Vậy có quy định nào bắt buộc nhân viên ACB phải chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tiết kiệm không? Lỗi này thuộc về ai các anh tự trả lời lấy”, vị chủ tọa nhấn mạnh. Tuy nhiên, người đại diện cho nhân viên ACB đáp: “Không tự đánh giá lỗi”.
Phiên tòa chiều nay kết thúc sau khi VKS và HĐXX thẩm vấn về hành vi đồng phạm của Võ Anh Tuấn (nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) trong việc giúp Huyền Như chiếm đoạt số tiền của Công ty cổ phần vận tải dầu khí Thái Bình Dương và 3 công ty: Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên.
Hải Duyên