Gần đây, câu chuyện về các nhân viên tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Ngọa Long, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, mặc những bộ đồ gấu trúc dính chất thải của con vật để chăm sóc các cá thể đã thu hút nhiều sự chú ý, sau khi một blogger chia sẻ chuyện này trên mạng xã hội, SCMP đưa tin hôm 25/8.
"Gấu trúc không sợ sao?", blogger Tiểu Vũ đặt câu hỏi. "Dù biết các nhân viên đang cố hết sức để giảm tác động của yếu tố con người với đời sống của loài gấu trúc, tôi vẫn cảm thấy hơi kỳ".
Người này cũng giải thích bộ đồ nhằm giảm tối đa tương tác của con người với gấu trước khi chúng được thả về tự nhiên. "Để xóa yếu tố con người trong trí nhớ của những con gấu, chúng sẽ chỉ được tương tác với các nhân viên mặc trang phục đặc biệt có dính phân và nước tiểu gấu", Tiểu Vũ viết.
Loạt ảnh nhận được hơn 25 triệu lượt xem trên Weibo và thu hút hàng nghìn bình luận hài hước. "Không biết chúng có sợ không, nhưng tôi thì khá sợ đấy", một người dùng bình luận.
"Vừa nhìn đã biết là đồ dỏm rồi, gấu trúc không nhận ra à?", một người viết.
"Khi những con gấu con được thả về tự nhiên, chúng sẽ thắc mắc liệu loài gấu đi hai chân mà chúng thấy hồi nhỏ đã tuyệt chủng hay chưa?", một người khác nói đùa.
Lưu Định Trân, giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh, tổng thư ký Hiệp hội Hành vi Động vật và Hiệp hội Động vật học Trung Quốc, cho biết ý tưởng về trang phục gấu trúc được ông và nhóm chuyên gia đề xuất vào năm 2008, khi đào tạo nhân sự trong dự án tái hoang dã gấu trúc trong khu bảo tồn Ngọa Long.
"Chúng tôi hy vọng sau nhiều năm huấn luyện, những cá thể gấu này sẽ tránh con người thay vì dựa dẫm vào họ, có thể sinh sống độc lập trong môi trường tự nhiên", Ông Lưu trả lời Science and Technology Daily.
"Chúng tôi bôi phân và nước tiểu gấu vào bộ quần áo nhằm mục đích khiến những con vật tin rằng đây là gấu trúc thật, không phải người", ông nói thêm.
Giới nghiên cứu kết luận bộ đồ gấu trúc dính chất thải có hiệu quả, sau khi quan sát hành vi của các cá thể trong quá trình thử nghiệm và sau khi thả về tự nhiên. "Trong khu bảo tồn, khi một con gấu con bị bỏ lại một mình lúc gấu mẹ tìm thức ăn, nếu nghe thấy tiếng người, nó sẽ ẩn nấp và lặng lẽ quan sát thay vì lại gần", ông Lưu nêu ví dụ.
Theo Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc (NFGA), hiện có 673 gấu trúc sống trong điều kiện nuôi nhốt trên khắp thế giới, phần lớn ở Trung Quốc. Trong khi đó, có 1.864 cá thể đang sống trong môi trường tự nhiên.
Đức Trung (Theo SCMP)