Hôm nay, 5/8, khách sạn nơi anh Thiện làm việc sẽ đóng cửa sau một tháng mở trở lại. Trong 2 tháng cao điểm của dịch Covid-19, anh đã phải nghỉ làm, đi bán và giao hàng cho một tiệm trái cây. Vì làm bán thời gian nên thu nhập của anh chỉ khoảng 2 triệu đồng/ tháng. "Dịch tạm lắng, mới đi làm được một tháng thì đợt dịch thứ hai bùng phát, phải nghỉ. Chắc tôi phải tiếp tục làm tạm việc gì đó để trang trải cuộc sống", anh Thiện cho hay.
Là nhân viên buồng phòng tại một khách sạn ở TP HCM, trước đây, anh làm 6 ngày/ tuần, mỗi ngày 8 tiếng hoặc hơn nếu đông khách. Trước dịch, thu nhập của anh khoảng 7 triệu đồng/ tháng và thêm phí dịch vụ, trong một tháng đi làm trở lại, anh nhận lương 5 triệu đồng.
Giờ lại nghỉ việc, anh nhớ đồng nghiệp, những căn phòng khách sạn, và những nụ cười của khách khi tạm biệt. Niềm vui của anh là trải được một chiếc giường đẹp cho khách. "Với tình hình hiện tại ngành du lịch sẽ khó khăn, có lẽ giữa năm 2021 mới ổn định. Nghề chọn người chứ mấy khi người chọn được nghề, nên dù có nhiều biến cố, tôi sẽ quay lại ngành khách sạn khi hết dịch", anh bày tỏ.
![Một số cửa hàng, khách sạn đóng cửa vì Covid. Ảnh: Ngân Dương.](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2020/08/05/117303771-624393521828610-4331-8235-7567-1596613012.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BEFNZ1bbFwruhSA1RyWacQ)
Một số cửa hàng, khách sạn đóng cửa vì Covid. Ảnh: Ngân Dương.
Đồng cảnh ngộ, Linh Nhi, sống tại TP Quy Nhơn cũng mất việc khi dịch bùng phát trở lại. Nghỉ việc và nhận 50% lương từ tháng 4, sang tháng 6, Nhi được gọi quay lại khách sạn làm lễ tân. Cuối tháng 7, cô phải nghỉ hẳn vì khách sạn khó khăn. "Giờ tôi chuyển sang làm lễ tân ở studio chụp ảnh, lỡ bén duyên với nghề dịch vụ rồi, có lúc đêm còn ngủ mơ thấy mình đang làm thủ tục check in cho khách", Nhi cho biết.
Mặc dù ở cùng gia đình, ít áp lực về kinh tế nhưng cô vẫn cảm thấy bồn chồn, lo lắng. "Hồi làm khách sạn, ngày nào cũng đi làm, giờ đột nhiên phải nghỉ một thời gian, thấy không quen. Dù nghề vất vả, nhưng tôi rất nhớ những vị khách vui tính, thân thiện, có người còn tặng quà cho nhân viên, thậm chí còn nhiệt tình mai mối", Nhi chia sẻ. Cô mong dịch sẽ sớm được kiểm soát vào cuối năm để được quay trở lại làm khách sạn cho đúng chuyên môn. "Làm trái nghề như yêu không đúng người vậy", cô nói.
May mắn hơn Thiện và Nhi, Hoài Nhân vẫn đang giữ được công việc lễ tân của mình tại khách sạn ở TP Huế, song cô vẫn lo lắng. "Khách sạn mở cửa trở lại, tôi rất vui khi được gặp những gương mặt thân quen. Tuy nhiên, dịch lại bùng phát lần hai. Vì đã có kinh nghiệm nên khách sạn đối phó nhanh hơn, sắp tới nhân viên sẽ đi làm luân phiên, mỗi người nghỉ 2 tuần để chia công cho những người còn lại. Nhưng tương lai e rằng phải đóng cửa lần nữa", cô cho biết.
Gần 5 năm làm lễ tân, đây là lần đầu tiên cô rơi vào hoàn cảnh này. Dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 3/2020, khách sạn nơi cô làm việc đóng cửa 1 tháng rưỡi, nhân viên nghỉ không lương. Công việc ở khách sạn là nguồn thu nhập duy nhất của Nhân, nên cô cảm thấy khá khó khăn. Bế tắc, Nhân cố gắng tìm hiểu thêm nhiều chuyên môn khác như marketing, viết lách nhưng vì không có kinh nghiệm nên chưa tìm được việc. Ngoài ra, vì có thời gian nên cô lập một group Facebook về nghề lễ tân - khách sạn để chia sẻ với các bạn trẻ ở Huế quan tâm đến ngành. Cô tâm sự: "Tôi chỉ mong dịch sớm được kiểm soát. Tôi thật sự không muốn bỏ nghề vì đây là điều tôi muốn theo đuổi. Trong thời gian này, tôi sẽ cố tìm thêm những việc khác, trau dồi kỹ năng để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Còn với Trọng Hiếu, sinh viên ngành du lịch sắp tốt nghiệp ở Nha Trang, ít lo lắng hơn, dù phải đối mặt với 2 đợt dịch. Hoàn thành xong chương trình học ở trường, Hiếu vừa đi làm lễ tân được 1 tháng thì phải nghỉ việc. Ở nhà gần 4 tháng, đến tháng 6/2020, Hiếu bắt đầu làm bellman (nhân viên hỗ trợ hành lý). Đến cuối tháng 7, dịch bùng trở lại, Hiếu chỉ nhận lương cơ bản và không có thêm thu nhập từ phí dịch vụ, cũng không được đóng bảo hiểm như trước.
![Trọng Hiếu nhớ những lúc được khách nhờ bế em bé. Ảnh: NVCC.](https://vcdn1-dulich.vnecdn.net/2020/08/05/Noi-buon-cua-nhan-vien-khach-s-8669-4212-1596600541.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=637WpFCAjhHrWRMNSs9kxA)
Trọng Hiếu nhớ những lúc được khách nhờ bế em bé. Ảnh: NVCC.
Hiện giờ, khách sạn nơi Hiếu làm chưa cắt giảm lịch làm việc của nhân viên, tuy nhiên lượng khách giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 20 - 30 %. "Lúc nghỉ dịch tôi ở nhà chơi game, bán các vật phẩm trong game kiếm tiền, ứng cử việc chuyên ngành khác như huấn luyện viên thể hình, nhưng bị loại vì không có kiến thức chuyên môn, xin làm sale cho công ty đồ uống nhưng cũng bị loại", Hiếu cho biết.
"Giờ vắng khách nên đứng ở sảnh cũng rất buồn, nhớ nhất những lần khách hỏi thăm, trò chuyện, càng nói nhiều càng biết nhiều và tôi trở nên dạn dĩ hơn. Tuy nhiên, với tình hình này tôi e sẽ sớm thất nghiệp trở lại", anh nói thêm.
Hiếu cho rằng tình huống khó khăn này là bất khả kháng. "Dịch thì làm ít tiền hơn thôi, nếu phải nghỉ tôi sẽ đi làm ngành khác, miễn sao có thu nhập. Tình hình chung mà, sống hôm nay biết hôm nay, chuyện ngày mai cứ để mai tính", anh nói. Theo dự đoán của anh, ngành du lịch phải tới đầu hoặc giữa năm 2021 mới có thể ổn định trở lại.
Ngân Dương