Trong vụ việc bạn nêu thì có hai quan hệ pháp luật cần phải xem xét, giải quyết. Thứ nhất là quan hệ mua bán xe (thông qua hợp đồng mua bán xe) giữa bạn và showroom. Thứ hai là quan hệ tặng cho tài sản có điều kiện giữa bạn và nhân viên sale (người trực tiếp tư vấn, bán hàng tại các showroom cho khách). Nói cách khác bạn đã xác lập, thực hiện hai giao dịch dân sự khi mua xe.
Đối với giao dịch dân sự thứ nhất, hai bên đã mua bán xe thông qua hợp đồng mua bán. Trên hợp đồng không có điều khoản nào về việc showroom hoàn tiền cho khách. Do vậy, không có căn cứ để buộc showroom phải hoàn cho bạn số tiền này. Trên thực tế, có thể người chủ showroom biết việc nhân viên sale hứa hẹn với khách hàng về việc hoàn tiền (giảm giá bán) nhưng không phản đối. Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý, bạn không có chứng cứ gì để chứng minh cho điều đó.
Đối với giao dịch dân sự thứ hai, xét về bản chất, đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện được quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự. Theo đó, trường hợp bạn mua xe thì nhân viên sale sẽ tặng cho bạn số tiền 30 triệu sau khi việc mua bán xe với showroom hoàn tất. Số tiền này là số tiền nhân viên sale tự bỏ ra để trả cho bạn chứ không phải của showroom. Mục đích của việc này có thể là nhằm tăng doanh số, đẩy hàng tồn hoặc để hoàn thành các chỉ tiêu khác mà showroom đặt ra cho nhân viên sale trong một khoảng thời gian nhất định.
Để giải quyết tranh chấp, trường hợp thương lượng không đạt kết quả thì bạn có thể khởi kiện nhân viên sale ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc thời gian, công sức, chi phí để theo đuổi vụ kiện so với kết quả thu về để có cách ứng xử phù hợp.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội