Cuối năm ngoái, một số đại lý bán bia tại TP HCM phản ánh, nhân viên bán hàng của Heineken không cho họ trưng bày hoặc bán bia của Sabeco, nhất là sản phẩm Saigon Chill mới ra mắt. Nếu tiếp tục bán, đại lý sẽ bị hãng bia ngoại cắt khoản phí hỗ trợ vài triệu tới chục triệu đồng một tháng, tuỳ quy mô đại lý.
Sau khi làm việc với cả Heineken và Sabeco về phản ánh này, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, Heineken Việt Nam khẳng định "không có chính sách này, không chỉ đạo nhân viên thực hiện".
Tuy nhiên, xác minh thực tế của cơ quan quản lý cạnh tranh cho thấy, một số đại lý xác nhận có hiện tượng nhân viên bán hàng của Heineken Việt Nam yêu cầu đại lý hạn chế bán bia của Sabeco.
"Cục đề nghị Heineken Việt Nam có văn bản chính thức, công khai yêu cầu nhân viên bán hàng của công ty tuân thủ đúng quy định pháp luật cạnh tranh, cũng như quy tắc ứng xử nội bộ trong kinh doanh", Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng nêu.
Cũng theo cơ quan này, việc doanh nghiệp yêu cầu với nhà phân phối, bán lẻ hạn chế bán sản phẩm của đơn vị khác sẽ ảnh hưởng tới quyền tự do kinh doanh, hạn chế quyền lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.
2020 là một năm khó khăn với ngành bia khi chịu tác động kép từ Covid-19 và Nghị định 100 về chống tác hại của rượu bia. Ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm đã khiến sản lượng tiêu thụ bia sụt giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2019, theo Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát (VBA). Nửa cuối năm thị trường phục hồi, nên mức tiêu thụ bia cả năm 2020 vẫn đạt khoảng 4,4 tỷ lít.
Về thị phần, theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, hiện có phần nghiêng về hãng bia ngoại Heineken khi chiếm gần 40%, kế đến là Sabeco xấp xỉ 34%. Các hãng bia còn lại như Habeco, Carslberg, AB-Inbev... chia nhau 26% thị phần còn lại.
Anh Minh