Các nhân viên thuộc văn phòng Google trên toàn thế giới bắt đầu tham gia chiến dịch "ngồi lì để biểu tình" (sit-in) để ủng hộ Claire Stapleton và Meredith Whittaker - hai người đã giúp tổ chức một cuộc xuống đường đi bộ để phản đối việc xử lý các hành vi quấy rối tình dục không thỏa đáng tại Google - nhưng đang bị công ty có hành động "trả thù". Sit-in là hình thức biểu tình theo đám đông, chặn các lối ra vào không cho ai qua lại, giơ khẩu hiệu nhưng không la ó hay gây mất trật tự và chỉ rời đi khi vấn đề được giải quyết.
Theo BI, tại New York, đã có hơn 200 nhân viên Google tham gia. Trong khi đó, hàng trăm người ở Cambridge, London, Pittsburgh... cũng ủng hộ đồng nghiệp. Một nhân viên của Google nói với The Verge rằng, họ sẽ tham gia sit-in suốt cả ngày. Nhiều câu chuyện được chia sẻ lên mạng xã hội, chủ yếu là Twitter, kèm hashtag #NotOkGoogle.
Google chưa đưa ra bình luận nào.
Trước đó, báo cáo từ New York Times cho thấy Stapleton và Whittaker tiết lộ công ty đang đối xử bất công với mình. Trong một bức thư được chia sẻ nội bộ với các đồng nghiệp ngày 22/4, Stapleton, Giám đốc tiếp thị của YouTube cho biết Google đã cách chức mình. Còn Whittaker, chuyên viên trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cũng tiết lộ trong bức thư việc cô đã được thông báo vai trò của mình ở công ty sẽ thay đổi đáng kể.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Google cho biết công ty nghiêm cấm hành vi trả thù tại nơi làm việc và đang điều tra tất cả các cáo buộc. "Các nhân viên và đội ngũ thường xuyên được giao những nhiệm vụ mới hoặc được tổ chức lại để theo kịp nhu cầu kinh doanh đang phát triển. Không có sự trả thù nào ở đây", người này cho biết.
Tháng 10/2018, một cuộc điều tra do New York Times thực hiện đã phát hiện "cha đẻ" Android, Andy Rubin, bị cáo buộc tấn công tình dục với cấp dưới và buộc phải rời đi kèm khoản tiền 90 triệu USD. Khoản thanh toán xa hoa cho hành vi sai trái này đã gây phẫn nộ cho nhân viên của Google.
CEO của Google sau đó đã xin lỗi và tiết lộ việc đã sa thải 48 người trong hai năm qua vì có hành vi quấy rối tình dục. Nhưng những lời xin lỗi đã không khiến các nhân viên bình tĩnh. Ngày 1/11, hơn 20.000 nhân viên Google từ các văn phòng trên khắp thế giới, từ Mỹ, Canada, Đức, Ấn Độ, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Philipines, Anh, Singapore, Thụy Điển và Thụy Sĩ xuống đường đi bộ biểu tình đòi lại công bằng cho các nạn nhân.
Bảo Lâm tổng hợp