Theo Bloomberg, người đứng đầu bộ phận tiếp thị của Google Lorraine Twohill từng viết email cho Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của công ty, yêu cầu ông "đặt chế độ ẩn danh thực sự riêng tư" trên trình duyệt Chrome. Theo bà, việc dịch vụ này không thực sự riêng tư sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dùng vào phần mềm của hãng.
Thông tin này là một phần trong hồ sơ được công khai của tòa án liên quan đến vụ kiện trị giá 5 tỷ USD về quyền riêng tư mà Google đang đối mặt. Trong đó, nhiều nhân viên cũng chỉ trích việc sử dụng tên và sử dụng biểu tượng Spy Guy đầu năm 2018. Một nghiên cứu thực hiện nội bộ cho thấy chỉ 56,3% trong số 460 người dùng nghĩ việc sử dụng chế độ ẩn danh (Incognito Mode) thực sự giữ kín thông tin của họ.
Incognito Mode là chế độ riêng tư trên trình duyệt Chrome với mục đích "giấu kín mọi thông tin, thao tác truy cập web của người dùng". Tuy nhiên, theo Gizchina, nó chỉ giấu lịch sử tìm kiếm, truy cập web với những người dùng khác trên cùng thiết bị. Chế độ này không ngăn Google hoặc đối tác quảng cáo của Google theo dõi và kiếm tiền từ lịch sử duyệt web của người dùng khi bật Incognito Mode.
Ken Paxton, Tổng chưởng lý Texas, nhấn mạnh các tuyên bố của Google về chế độ ẩn danh là "sai sự thật, lừa đảo và gây hiểu lầm". Trong khi đó, hãng tìm kiếm số một thế giới vẫn bác bỏ các cáo buộc này.
Theo Google, các biện pháp kiểm soát quyền riêng tư đã được tích hợp từ lâu trong các dịch vụ và công ty luôn khuyến khích các nhóm làm việc thảo luận hoặc xem xét các ý tưởng để cải thiện chúng. "Chế độ ẩn danh cung cấp cho người dùng trải nghiệm duyệt web riêng tư và chúng tôi đã nói rõ về cách thức hoạt động cũng như chức năng của nó, trái với các nguyên đơn trong trường hợp này cố tình hiểu sai các tuyên bố của chúng tôi", Google nêu.
Theo tài liệu của tòa án, một kỹ sư của Google tuyên bố cần ngừng gọi chế độ này là duyệt web ẩn danh cũng như bỏ biểu tượng Spy Guy. "Các nghiên cứu công khai cho thấy người dùng không nhận thức được đầy đủ về cách hoạt động của tính năng. Điều công ty cần là truyền tải chính xác mức độ riêng tư mà nó thực sự cung cấp".
Đơn kiện Google vi phạm quyền riêng tư của hàng triệu người dùng, khi theo dõi hoạt động của họ trên Internet dù trình duyệt để ở chế độ ẩn danh, được nộp giữa năm 2020. Các thông tin được thu thập qua Google Analytics, Google Ad Manager và các ứng dụng di động khác cũng như plug-in trên website. Điều này giúp Google biết về các mối quan hệ, sở thích, thói quen mua sắm, món ăn yêu thích và thậm chí cả những điều thầm kín, đáng xấu hổ của người dùng thông qua những gì họ tìm kiếm trên mạng. Bên cạnh đó, Google cũng vi phạm luật của bang California bởi hãng phải nhận được sự đồng ý của người dùng khi theo dõi thông tin cá nhân.