Ngày 18/1, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng. Theo nghị định này, tổ chức tín dụng được coi là lâm vào tình trạng phá sản nếu mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn và sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng 150 tuổi của Mỹ Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9/2008 khiến thị trường tài chính thế giới hoảng loạn và kéo theo sự sụp đổ của hàng loạt định chế tài chính khác. Ảnh: Wordpress |
Nghị định cũng nêu rõ những người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ngân hàng gồm chủ nợ, người lao động và chủ sở hữu hay cổ đông của ngân hàng cổ phần. Đại diện hợp pháp của ngân hàng có nghĩa vụ nộp đơn khi nhận thấy ngân hàng mình lâm vào tình trạng phá sản.
Tòa án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu có căn cứ rõ ràng cho thấy việc nộp đơn không khách quan, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín hoạt động của ngân hàng, hoặc ngân hàng chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản. Trong trường hợp ngân hàng vẫn nằm trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, đơn yêu cầu cũng bị trả lại.
Mọi hoạt động của ngân hàng sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản được tiến hành dưới sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm ngân hàng cất giấu, tẩu tán tài sản; thanh toán nợ không có bảo đảm... Ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả các khoản vay đặc biệt hoặc khoản hỗ trợ tài chính trước khi thực hiện thứ tự phân chia tài sản.
Song Linh