Ngày 17/12, Durendran Vicknesh Venkatraman, 46 tuổi, nhân viên của công ty an ninh hàng đầu Singapore, One Imperial Security, vừa bị phạt 1.800 SGD (hơn 1.300 USD) về hai tội Vắng mặt tại vị trí gác mà không có lý do chính đáng và Lừa dối người sử dụng lao động. Anh ta đang bị xem xét truy tố tội danh thứ ba là Lừa dối cảnh sát.
Bị cáo đã được thả tự do, được miễn truy tố tội Gây hoang mang cho công chúng.
Cáo trạng xác định, Durendran là nhân viên an ninh được cấp phép, đã làm việc 13 năm tại công ty One Imperial Security.
Đêm 4/1, Durendran được điều động đến một Khu phức hợp công nghiệp, ca làm việc của anh kéo dài từ 20h đến 8h hôm sau. Khoảng 23h20, anh ta rời khỏi vị trí gác để đi nhậu cách đó 7 km mà không báo cáo với ai.
Trùng hợp trong ca làm việc đó, công ty có tổ chức diễn tập an ninh với hai cố vấn chuyên nghiệp. Họ đến nơi lúc hơn 4h sáng 5/1 song không thấy Durendran, trong khi cổng chính mở toang. Họ gọi Durendran, nhưng anh ta nói dối đang ở gần đó để mua đồ ăn.
Một trong hai cố vấn đã đặt một quả bom giả trong một túi giấy màu nâu tại bãi đậu xe máy bên cạnh trạm gác.
Họ đợi đến 5h nhưng Durendran không trở về nên họ đã gọi điện cho giám đốc công ty One Imperial báo hủy cuộc diễn tập vì nhân viên an ninh không có mặt.
Một lúc sau, Durendran quay lại vị trí gác. Các cố vấn gọi cho Durendran để hướng dẫn anh ta xử lý quả bom giả. Durendran nói rằng sẽ làm nhưng lại quên. Trước khi kết thúc ca trực, anh ta đã ghi vào sổ nhật ký trực gác rằng đã tuần tra và ở tại vị trí trong suốt ca trực của mình.
Nhân viên thay ca cho Durendran đã phát hiện quả bom, lại không biết đó là bom giả diễn tập nên hốt hoảng gọi cảnh sát. Lực lượng Cảnh sát Singapore và Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) đã được điều động khẩn cấp đến.
Hơn 100 người đã bị sơ tán trong quá trình điều tra mối đe dọa đánh bom kéo dài khoảng 90 phút.
Tại tòa, phía công tố đề nghị mức án ít nhất là 3 tuần tù kèm tiền phạt.
Theo luật Singapore, nhân viên an ninh vắng mặt tại vị trí phân công mà không có lý do chính đáng có thể bị phạt tù tới 3 tháng, phạt tiền lên tới 2.000 SGD hoặc cả hai.
Hình phạt cho hành vi làm giả hồ sơ với mục đích lừa đảo người sử dụng lao động có thể lên tới 10 năm tù, phạt tiền hoặc cả hai.
Hải Thư (Theo CNA)