Theo quy định của Amazon - nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới, gian hàng vi phạm sẽ bị khóa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Người bán có thể cam kết sửa hoặc chứng minh họ không sai. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào, quá trình mở khóa cũng tốn kém và kéo dài. Theo CNBC, một số nhân viên chăm sóc khách hàng Amazon được cho là đã lợi dụng tình trạng này để kiếm lời. Sau khi nhận tiền, họ tiến hành mở khóa sản phẩm và gian hàng đang bị giới hạn, xóa bình luận tiêu cực, thậm chí cung cấp thông tin của đối thủ cạnh tranh. Một nhóm chat trên Telegram chuyên cung cấp dịch vụ này đã thu hút hơn 13.000 thành viên. Ngoài ra còn có các nhóm trên WeChat, WhatsApp và Facebook.
"Bạn có thể hiểu thêm về trạng thái gian hàng của mình bằng cách mua ảnh chụp màn hình dữ liệu nội bộ của chúng tôi. Đây là thông tin nhân viên chăm sóc khách hàng có thể tiếp cận", thông báo trên nhóm Telegram có đoạn.
Quản trị viên nhóm Telegram niêm yết phí dịch vụ từ 200-400 USD cho việc xử lý gian hàng bị khóa. Các lý giải về nguyên nhân bị khóa có giá 180 USD. Thao tác bỏ phiếu bình chọn cho bài đánh giá sản phẩm, giúp tăng uy tín người bán được tính phí 0,5 USD mỗi lần. CNBC cho biết đường dây này có cả các đơn vị môi giới chuyên nghiệp, giúp móc nối người bán hàng với nhân viên Amazon.
Trong khi đó, Amazon cho biết đang thực hiện các biện pháp để phát hiện hành vi truy cập trái phép và đánh cắp dữ liệu hệ thống. "Amazon không chấp nhận việc gian lận, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mọi biện pháp nhằm bảo vệ nền tảng và buộc kẻ xấu chịu trách nhiệm", phát ngôn viên Christy Distefano của Amazon nói.
Một nguồn tin nội bộ cho biết hãng đã thành lập đội chuyên ứng phó với mối đe dọa rò rỉ thông tin. Họ sẽ theo dõi, phân tích các nhóm khả nghi trên mạng xã hội, đồng thời điều tra nhân viên trong công ty. Tuy nhiên, hãng từ chối tiết lộ có sa thải hay kỷ luật nhân viên gian dối hay không.
Thực tế, các sai phạm của nhân viên Amazon đã tồn tại từ lâu. Năm 2018, một số nhân viên tại Trung Quốc vướng cáo buộc nhận khoản thanh toán 80-2.000 USD để bán thông tin bí mật về gian hàng hoặc xóa bình luận xấu. Năm 2000, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội sáu người trong đường dây hối lộ nhân viên Amazon nhằm đánh cắp dữ liệu nội bộ.
Tuy nhiên, theo CNBC, nhiều người bán hàng trên Amazon phản ánh họ bị khóa hoặc loại khỏi nền tảng một cách bất công mà không có lời giải thích. Cách xử lý của Amazon khiến kẻ xấu có cơ hội môi giới cho dịch vụ gian lận.
"Khi bị loại khỏi nền tảng Amazon, mọi thứ sẽ rất tệ. CEO một số công ty lớn đã khóc qua điện thoại với tôi rằng họ phải sa thải nhân viên và phá sản", Cynthia Stine, Chủ tịch eGrowth Partner, một công ty tư vấn bán hàng cho biết.
Quá trình khiếu nại và mở lại gian hàng thường mất vài tháng. Trong thời gian chờ đợi, người bán chịu thêm tổn thất vì chi phí phát sinh. Nhiều người không hy vọng vào đội ngũ Amazon và tìm đến bên gian lận. Hành động đột ngột khóa gian hàng từ phía Amazon cũng đang là trọng tâm của cuộc điều tra kéo dài 16 tháng do Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ tiến hành.
Hoàng Giang (theo CNBC)