Lành lặn bước ra khỏi chiến tranh, nhưng không thể tránh được tai ương ngoài đời thường, cuộc đời của nữ trinh sát Bùi Thị Mùi tưởng như đã khép lại trên giường bệnh. Nhưng với ghép tế bào gốc - liệu pháp điều trị hiện đại đang được thực hiện tại Vinmec - cuộc sống bà Mùi đã sang trang mới với hi vọng được đi lại trên chính đôi chân của mình.
62 tuổi và niềm hạnh phúc tập đi
"Đây là hai người đàn ông quan trọng của đời tôi" - bà Mùi nắm tay hai người đàn ông nghẹn ngào nói với mọi người trong phòng bệnh. "Đây là chồng tôi - người tôi phải đi 6 tỉnh biên giới mới tìm được, đã không bỏ tôi khi bạo bệnh. Còn đây là bác sĩ Liêm - người cho tôi sống lại lần nữa".
Bà Bùi Thị Mùi (62 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ) đã từng giúp một bé gái "sống lại lần nữa". Người phụ nữ là chứng nhân của lịch sử, được biết đến qua khoảnh khắc cứu giúp em bé hơn 2 tuổi Hoàng Thị Thu Hiền và bế bé suốt một ngày đêm từ trong rừng ra khi mẹ bé bị bắn trọng thương trong Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 ở Cao Bằng. Khoảnh khắc chân thực được nhà báo Trần Mạnh Thường ghi lại bức ảnh lịch sử nổi tiếng "Cô bộ đội bế em bé".
"Đôi chân không ngoan này giờ đã nhấc lên được, còn chân bên kia đã có thể tung đá cầu", bà Mùi hồ hởi khoe với cả phòng bệnh. Nữ trinh sát năm xưa vẫn đùa với các bác sĩ, gọi chân trái của mình là "chân không ngoan". Trước khi được ghép tế bào gốc tại Vinmec, chân đó liệt hoàn toàn; chân còn lại có thể nhúc nhích.
Là người bước ra từ cuộc chiến từ những năm đôi mươi, cô Mùi lập gia đình với người đồng đội đã phải lòng nhau từ trong chiến tranh. 35 năm chung sống, dù không có con, cuộc sống làm nông vất vả nhưng gia đình nhỏ chưa bao giờ tắt tiếng cười.
Tai nạn bất ngờ ập đến vào năm 2015, lúc vào rừng lấy củi, bà Mùi bị cây đổ đè qua người, bất tỉnh. Hai lần mổ nối động mạch cổ, gỡ xương sườn đâm vào phổi... thoát được lưỡi hái tử thần nhưng toàn bộ phần cơ thể phía dưới của bà bị liệt. Kinh tế gia đình của đôi vợ chồng già đã khó khăn lại càng thêm kiệt quệ, gia tài lớn nhất là 2 con trâu phải bán để trang trải khoản viện phí.
"Bốn năm rưỡi nằm một chỗ, đến việc vệ sinh cá nhân cũng không làm được, nhiều lúc thương chồng, tôi đã định quyên sinh. Mọi thử tưởng như đã tuyệt vọng cho đến khi nhận duyên đưa tôi đến đây, gặp bác sĩ Liêm", bà Mùi chia sẻ.
Bà Mùi giờ đã có thể cử động được, tự ngồi dậy và lo vệ sinh cá nhân, "cứ tập miết, hào hứng tập đi như một đứa trẻ", bà Mùi vui vẻ kể.
Hi vọng từ liệu pháp điều trị mới
Bác sĩ Liêm trong câu chuyện trên là Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc & công nghệ gen Vinmec, người đã khám và trực tiếp điều trị cho bà Mùi.
"Trường hợp của cô Mùi rất đặc biệt. Cô bị liệt tủy sống do chấn thương, gần như liệt hoàn toàn chi dưới. 4 năm qua dù có tập luyện, phục hồi chức năng nhưng chưa có tiến triển. Vì thế, chúng tôi đã quyết định lấy tế bào gốc ở xương chậu của cô để ghép. Sau 2 lần ghép, bệnh nhân có những tiến triển khiến ngay cả chúng tôi còn thấy bất ngờ", giáo sư Liêm chia sẻ.
Là giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu ghép tế bào gốc, ông cho biết đây phương pháp mới, hướng đi mới dù đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng mang lại hiệu quả trong điều trị chấn thương tủy sống ở Việt Nam và trên thế giới.
Theo vị giáo sư, tế bào gốc có tác dụng làm giảm viêm, chống phù nề, đồng thời tế bào gốc làm làm tăng sinh các mạch máu, tiết ra nhiều yếu tố đặc biệt ( các growth factor) giúp nuôi dưỡng các tế bào thần kinh tốt hơn. Các tế bào gốc cũng có thể biệt hóa thành các tế bào thần kinh giúp kết nối vùng tủy lành phía trên với vùng tủy lành phía dưới đoạn tủy bị tổn thương.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã nghiên cứu áp dụng ghép tế bào gốc điều trị nhiều loại tổn thương thần kinh đối với các bệnh bại não, tự kỷ, thoát vị màng não tủy...để phục hồi khả năng vận động
"Từ kết quả này cho chúng tôi niềm tin, nếu như chúng ta chỉ định phù hợp, chọn đúng liều lượng cũng như đường truyền tế bào gốc sẽ mang lại rất nhiều hi vọng cho các bệnh nhân trước đây có nguy cơ tàn tật suốt đời", bác sỹ Liêm khẳng định.
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec)
Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec (VRISG) là một viện nghiên cứu Y Sinh phi lợi nhuận thuộc Hệ thống Y tế Vinmec, được thành lập vào tháng 10/2016 với tiền thân là Trung tâm Tế bào gốc và Công nghệ gen Vinmec, hoạt động từ tháng 3/2014. VRISG được Tập đoàn Vingroup đầu tư trọng điểm để trở thành đơn vị nghiên cứu chiến lược trong lĩnh vực Y sinh với sứ mệnh phát minh, phát triển, và ứng dụng các liệu pháp tế bào và gen trong điều trị bệnh cho người Việt. Mục tiêu bao trùm của Viện là tập trung nghiên cứu theo hướng ứng dụng nhằm chuyển đổi nhanh các phát minh trong nghiên cứu khoa học cơ bản thành ứng dụng trong lâm sàng. Cụ thể: - Phát triển các liệu pháp y học trên cơ sở gen/tế bào nhằm điều trị các bệnh nan y. - Sản xuất các chế phẩm thuốc (off-the-self) từ tế bào gốc - Phát triển và kiểm định các công nghệ tế bào gốc. |