Chương trình do Quỹ Ngày mai Tươi sáng và Bệnh viện K tổ chức từ ngày 25/9 đến ngày 23/11.
Ung thư để lại gánh nặng lớn với toàn xã hội bởi người bệnh ung thư không chỉ phải trải qua những phác đồ điều trị kéo dài mà còn phải chi trả phí chữa trị rất tốn kém, giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết tại lễ phát động nhắn tin ủng hộ bệnh nhân ung thư, sáng 7/10.
70% người bệnh ung thư tới khám và điều trị ở giai đoạn muộn, rất nhiều bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế cần được giúp đỡ. "Nhiều người bệnh phải bỏ dở liệu trình điều trị", ông Thuấn nói.
Tại Bệnh viện K, nhiều trường hợp các nhân viên y tế phải tự quyên góp để giúp người bệnh có tiền ăn, ở và đi lại, nhất là bệnh nhi ung thư. Chín tháng qua, Bệnh viện K đã kết nối và tiếp nhận 755 cá nhân, tổ chức từ thiện, huy động được gần 14 tỷ đồng hỗ trợ cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu, hằng năm ung thư cướp đi sinh mạng khoảng 8,2 triệu người trên thế giới và 14,1 triệu ca mới phát hiện. Khoảng 65% bệnh nhân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam có hơn 300.000 bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư mỗi năm, là một trong những nước có tỷ lệ người bệnh cao.
Ung thư gan đang dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ, ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi. Phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp.