Matthew Schnipper, một nhà văn ở New York kể về người bạn tên Joe Mullen, vốn dĩ ấm áp, chu đáo và thích trẻ con. Hai người cùng chung sở thích âm nhạc. Có lần, Matthew hào hứng giới thiệu một nghệ sĩ. Không ngờ Joe không nhắn lại. Nhiều tháng sau, cuối cùng anh hỏi tại sao lại phớt lờ tin nhắn mới hay Joe không biết phải nhắn gì.
Joe cũng kể, trước đó từng có đồng nghiệp gửi một câu đùa, anh định phản hồi hay ho, nhưng rồi lần lữa mãi và cuối cùng bỏ qua luôn.
Điều này không phải hiếm gặp. Nhiều nam giới cảm thấy nhắn tin là một nhiệm vụ áp lực.
![Ảnh minh họa: Pexels](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2025/02/07/Nhan-tin-1738901785-9629-1738901988.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ceZiiMnUjwCqvGIkG71JBA)
Ảnh minh họa: Pexels
Hệ quả của thói quen này không chỉ gây khó chịu cho bạn bè, còn làm giảm chất lượng các mối quan hệ.
Matthew từng phỏng vấn một người rời nhóm chat thể thao vì bạn bè không ai chia buồn khi mẹ anh qua đời. Một nhóm ba ông bố mất cả chục năm mới học cách gặp nhau mà không có gia đình đi kèm. Một nhóm rủ nhau ăn tối, nhưng vì không ai chủ động sắp xếp, bữa ăn không bao giờ diễn ra.
Theo Nick Brody, giáo sư nghiên cứu về truyền thông tại Đại học Puget Sound, Mỹ, điều này xuất phát từ cách đàn ông và phụ nữ xây dựng tình bạn. Đàn ông thường gắn kết bằng các hoạt động chung như xem thể thao, chơi game, trong khi phụ nữ duy trì quan hệ bằng cách trò chuyện, điều mà nhắn tin mô phỏng rất tốt. Khi giao tiếp chủ yếu chuyển sang điện thoại, đàn ông gặp khó khăn hơn trong việc thích nghi.
Một số đàn ông cảm thấy dễ dàng hơn khi nhắn tin trong nhóm chat với các câu chuyện vu vơ, thay vì hội thoại 1:1 sâu sắc. Nhưng khi một thành viên trong nhóm gặp vấn đề nghiêm trọng, việc chuyển đổi từ trò chuyện hời hợt sang chia sẻ sâu sắc rất khó khăn với họ. Một số người thậm chí cảm thấy không thoải mái khi nhóm chat trở nên nghiêm túc.
Trên thực tế, đàn ông không hẳn kém trong việc viết lách. Evan Schleutter từng nhắn tin nhiều khi còn trẻ, nhất là khi hẹn hò hoặc tìm bạn mới. Hiện 29 tuổi, anh xem nhắn tin là một gánh nặng. "Nó lấy đi rất nhiều năng lượng xã hội của tôi", anh nói.
Nhà tâm lý học Niobe Way cho rằng từ khi còn nhỏ, nam giới đã bị dạy rằng thể hiện tình cảm quá nhiều có thể bị coi là yếu đuối. Họ dần học cách che giấu nhu cầu kết nối và khi trưởng thành, họ trở nên ngại chủ động liên lạc với bạn bè. Điều này dẫn đến một nghịch lý: đàn ông muốn có tình bạn sâu sắc nhưng lại sợ bị coi là "nhu nhược" khi cố gắng duy trì nó.
Niobe Way cho rằng nhắn tin có thể không phải là hình thức giao tiếp lý tưởng với mọi đàn ông, nhưng là một công cụ quan trọng để duy trì mối quan hệ. Nếu muốn có những tình bạn sâu sắc, họ cần học cách vượt qua sự ngại ngùng và chủ động hơn trong việc thể hiện sự quan tâm của mình.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)