Ngày 6/8, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, cho biết đây là trường hợp đáng tiếc vì bỏ qua thời gian vàng điều trị, khiến bệnh tiến triển nặng, "không thể làm gì thêm".
Ba tháng trước, bác sĩ tư vấn người bệnh phẫu thuật cắt bỏ và nối đại tràng, tiên lượng khỏi bệnh trên 90%. Tuy nhiên, ông không đồng ý, xin về nhà uống nước hoa đu đủ đực ngâm với các loại rễ cây để chữa bệnh. Gần đây khối u tái phát, người bệnh mệt mỏi, cơ thể suy kiệt nên quay lại kiểm tra. Lúc này, khối u to sắp vỡ, di căn phúc mạc, đại tràng nhiều hạch.
"Sau hội chẩn, kíp quyết định mổ cấp cứu để ngăn chặn khối u vỡ, sau đó chăm sóc giảm nhẹ để kéo dài sự sống", bác sĩ nói.
Trong Đông y, hoa đu đủ đực có vị đắng, sử dụng để trị các bệnh về đường hô hấp, viêm, phế quản, ho có đờm, ho khan, ho lâu ngày. Hoa đu đủ đực là dược liệu chứa nhiều chất chống oxy hóa và khoáng chất, giúp kháng viêm. Song, không có bất kỳ bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào khẳng định hoa đu đủ đực và mật ong có thể chữa ung thư, thậm chí là khối u lành tính.
Một số nhóm đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh tiêu hóa cần cẩn trọng khi uống bài thuốc truyền miệng, không có căn cứ. Các bác sĩ cũng chưa gặp người chữa khỏi ung thư chỉ nhờ uống thuốc nam.
"Tuy nhiên, khi bệnh nhân lựa chọn dùng thuốc nam, bác sĩ không thể can thiệp", bác sĩ Nam nói. Một số loại ung thư phát triển chậm, khối u có thể không thay đổi nhiều, khiến họ lầm tưởng thuốc nam "hiệu quả" nên tiếp tục dùng. Cho đến khi bệnh nhân đau, suy kiệt, xuất hiện biến chứng, họ mới quay lại bệnh viện thì đã quá muộn.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên phủ nhận vai trò của y học hiện đại, sợ "đụng dao kéo", đặt cược sức khỏe và tính mạng vào thuốc nam, với hy vọng khỏi bệnh. Nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín, bác sĩ đúng chuyên ngành, điều trị nếu mắc bệnh. Tuyệt đối không tin vào chiêu trò quảng cáo tràn lan trên mạng dẫn đến bỏ lỡ thời gian vàng điều trị.
Thùy An