Giáo dục về tiền cũng là một quá trình xây dựng nhân cách, giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền và yêu quý sức lao động tạo ra tiền, hơn nữa, giúp con rèn luyện tính tự lập và chủ động đưa ra những quyết định đúng về tài chính của bản thân. Tục ngữ có câu: "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", trong giáo dục về tiền cũng vậy, mỗi gia đình có phương pháp riêng và mỗi bé có nhu cầu và cảm thụ về tiền từ cuộc sống cũng khác nhau, hơn ai hết ba mẹ là người gần gũi và hiểu về con và đưa ra những cách tiếp cận từ thuở nhỏ. Với quan điểm riêng của chúng tôi và tính cách của bé, chúng tôi giáo dục về tiền và sự yêu quý sức lao động qua các hoạt động đơn giản sinh hoạt hàng ngày cũng và vui chơi của bé.
Từ thuở lên 5, Sóc (bé Nguyễn Trần Lâm, nay được 8 tuổi) đã biết phụ giúp công việc nhà. Buổi chiều, một hôm, Sóc muốn ba mẹ chở đi dạo và đã ngỏ lời xin. Sau khi Sóc nghe nói: "Ba mẹ còn nhiều việc phải làm như dọn dẹp, quét nhà, lau nhà... làm sao nhà mình đi được", Sóc tự ý phụ giúp ba mẹ công việc lau nhà để nhanh hết việc còn đi chơi. Dù biết Sóc sẽ không quét dọn sạch, chúng tôi vẫn để Sóc làm và cảm nhận được công việc hàng ngày, hơn nữa làm thường xuyên sẽ tiến bộ có thể chia sẻ với ba mẹ. Từ đó thành thói quen, Sóc không chỉ giúp công việc này mà còn phụ giúp những công việc khác (nấu ăn, cọ rửa nhà tắm...).
Những lúc đi chơi, Sóc muốn đồ chơi, xin ba mẹ mua. Tuy có thể mua liền ngay nhưng chúng tôi nói chưa đủ tiền và hôm sau đủ tiền mình sẽ mua. Giải pháp muốn đủ tiền mua là ba mẹ cùng con kiếm tiền thêm. Ba mẹ cố gắng công việc hàng ngày, còn con phụ giúp công việc nhỏ nhặt cho người thân giỏi để được thưởng. Sau nhiều lần tích góp, Sóc cũng mua được món đồ chơi yêu thích. Trong phương pháp dạy này, chúng tôi không phải ích kỷ với con mà muốn con biết được giá trị đồng tiền và trân trọng sức lao động làm ra tiền. Sự trân trọng tiền còn thể hiện, với ít tiền đã có, Sóc cầm món đồ chơi này đến món khác và cân nhắc giá để mua, mua còn để dành tiết kiệm để mua thứ khác.
Nhiều lần muốn mua truyện yêu thích hoặc muốn được đi tham quan, Sóc nói sẽ dành tiền và cố gắng học giỏi để được nhận thưởng rồi có tiền thực hiện. Mùa hè năm kết thúc bậc học mầm non, ba mẹ dẫn tham quan Viện Hải dương học, Sóc được thấy những loài sinh vật biển và thích thú. Sóc cảm nhận được giá trị của việc dành tiền để đạt mục đích mong muốn (tham quan). Cuối buổi tham quan, đến khu trưng bày "Tác hại của rác thải biển". Sóc xem và được ba mẹ giải thích về hình ảnh sinh vật biển bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa khó phân hủy. Sóc suy nghĩ và hỏi: "Mình làm gì với rác thải nhựa hả mẹ?" và nhận được trả lời: "Với rác thải nhựa, con có thể thu gom để bán cho các nhà tái chế, việc làm này không chỉ giải quyết ô nhiễm mà mình còn có tiền". Và sau câu trả lời ấy, "Con sẽ về nhà thu gom và bán kiếm tiền để dành", Sóc nói. Từ đó, Sóc thu gom chai nhựa thải ra hàng ngày. Những hành động này đã phần nào cho thấy Sóc đã nhận thức được "kiếm tiền, tiết kiệm, chi tiêu" và yêu quý sức lao động.
Gần đây, "văn hóa thờ ơ" ở giới trẻ và sự ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai là một chủ đề được các nhà làm giáo dục và phụ huynh quan tâm. Phải chăng sự phát triển kinh tế, xã hội, công nghệ ở thời đại 4.0 đã tạo một môi trường sống và học tập quá đầy đủ, đã khiến cho các con trở nên thờ ơ với những gì đang có và cuộc sống tương lai của chính mình. Quan điểm của chúng tôi trong giáo dục con cái - không gì là đủ. Chính sự không đủ mà phải phấn đấu. Ngoài những hành động chia sẻ công việc, chúng tôi cũng cho Sóc đến chùa và những nơi thiện nguyện để Sóc thấy xã hội này còn nhiều thiếu thốn cần sự chia sẻ.
Và trong vài lần đi dạo, khi gặp những mảnh đời tật nguyền, ăn xin ở ngã tư đường, chúng tôi giải thích cô hay chú không có sức lao động và túng thiếu cần sự giúp đỡ của người khác để sống qua ngày, Sóc cầm vài nghìn đến cho. Hành động cầm hai tay đưa tiền vào nón người ăn xin cho thấy sự cảm thông và thái độ tôn trọng của Sóc. Thật đúng như ông bà ta thường nói: "Cách cho hơn của cho". Sự chia sẻ, Sóc còn được học qua những tấm gương các nhà mạnh thường quân giúp người khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang được lan tỏa.
Những hoạt động thường ngày này phần nào giúp con cảm thụ dần một cách tự nhiên về giá trị đồng tiền và rèn luyện cho con làm chủ đồng tiền và có tinh thần trách nhiệm với bản thân và gia đình cũng như sự chia sẻ cộng đồng xã hội trong tương lai.
Trần Thị Thanh Xuân
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây