Deepinder Singh, người sáng lập startup 75F Inc. ở Bloomington, bang Minnesota, Mỹ, chưa bao giờ nghĩ đến việc tuyển nhân viên ngành công nghệ ở Thung lũng Silicon. Họ có mức lương quá cao và không muốn di chuyển. Ông không nhận được đơn xin việc nào từ các tập đoàn công nghệ lớn trong suốt 7 năm.
Nhưng từ tháng 5, đã có trên 10 người ở khắp nước Mỹ xin vào làm việc ở 75F Inc., công ty chuyên sản xuất hệ thống điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng và kết nối Internet. Một đơn xin việc đến từ Facebook, một người khác xuất thân từ Twitter, công ty với 130 nhân viên của Singh cũng mới tuyển một kỹ sư từ Sonos Inc.
Singh từng chứng kiến nhiều nhân viên dưới quyền rời công ty để tới Google và Tesla, chứ không phải điều ngược lại. "Tôi thực sự chưa bao giờ thấy điều này", anh nói.
Trong suốt nhiều năm, nguồn nhân lực chất lượng cao luôn bị thu hút về Thung lũng Silicon, bất chấp mức giá sinh hoạt trên trời và thời gian đi lại kéo dài nhằm tích lũy kiến thức và kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, cũng như tìm kiếm cơ hội thăng tiến từ các tập đoàn. Kết quả là văn hóa đậm chủ nghĩa kinh doanh và cảm hứng không nơi nào có được.
Tuy nhiên, làm việc từ xa đã trở nên phổ biến vì Covid-19. Nó không chỉ thay đổi nơi sinh sống của các lao động và mức lương họ mong muốn, mà còn thúc đẩy họ xem xét những cơ hội mới chưa từng nghĩ đến.
Lãnh đạo các startup ngành công nghệ như Jane LLC ở bang Utah, World View Enterprises Inc. tại Arizona, Starkey Hearing Technologies ở Minnesota và Zebra tại Texas đều ghi nhận gia tăng lượng người xin việc đến từ những thành phố lớn như San Francisco và New York.
Các tập đoàn lớn cũng đang tuyển nhân viên từ những công ty nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ cần một phần nhỏ nhân viên tại tập đoàn lớn nghỉ việc và phân tán khắp nước Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, các thành phố nơi họ sinh sống và cả nguồn tiền đầu tư từ các quỹ mạo hiểm.
"Các công ty đang tích cực tuyển người. Covid-19 đã thực sự mang đến cú hích cho những doanh nghiệp nhỏ", Guy Berger, nhà phân tích kinh tế tại LinkedIn, nhận xét.
Singh tin rằng các nhân viên đến từ Thung lũng Silicon thường có nhiều kỹ năng khác nhau. Họ không cần quản lý chặt chẽ và có thể làm việc một cách điên cuồng để bảo đảm tiến độ ra mắt sản phẩm. Đây có thể là điều tốt cho văn hóa làm việc khi nhiều người ở miền Trung Tây nước Mỹ chưa từng tiếp xúc với phong cách như vậy.
Dù vậy, mức lương cho nhân viên mới là điều khiến Singh đau đầu khi phỏng vấn những người đến từ Facebook và Twitter. "Tôi còn không biết mức lương họ đang nghĩ đến", anh cho hay.
Podium Corp., startup với 800 nhân viên ở bang Utah, đã tuyển 6 nhân sự cấp cao từ các công ty như Lyft và GitHub trong 6 tháng qua, và đã xem xét thêm ít nhất 600 đơn xin việc trong giai đoạn này, gấp 2-3 lần bình thường. Không phải ai trong số này cũng chuyển đến Utah.
Philip Luedtke là phó chủ tịch GitHub khi ông và vợ muốn rời San Francisco để tới bang Utah hoặc Washington nhưng vẫn giữ được công việc. Sau đó Luedtke nhận được cuộc gọi từ Podium. "Cơ hội này đột ngột xuất hiện. Đó là thực sự xây dựng và làm điều gì đó mới mẻ, trong một môi trường và văn hóa khác biệt. Nó thúc đẩy chúng tôi đến giới hạn trong việc tìm kiếm nơi ở mới", ông nói.
Luedtke cho biết đề xuất làm việc đi kèm gói vốn chủ sở hữu đáng kể trong Podium. Các startup tại Mỹ thường lôi kéo nhân viên từ những tập đoàn lớn bằng lời hứa hẹn thăng tiến và tiền bạc, nhưng họ hiếm khi ở cách nơi ở của nhân viên tiềm năng đến hàng trăm km.
"Một startup có thể gọi được vốn nếu đến một công ty đầu tư mạo hiểm và nói rằng họ đã tuyển được hàng loạt kỹ sự từ các tập đoàn hàng đầu tại Thung lũng Silicon. Các nhân viên này không chỉ giúp cải thiện năng lực kỹ thuật, mà còn mang tới mạng lưới kết nối và có thể tự mở doanh nghiệp, tăng số lượng việc làm ở quê nhà. Con số có thể không đáng kể, nhưng chỉ một phần nhỏ trong số các nhân tài doanh nghiệp hiện nay cũng đủ sức làm nên sự khác biệt rõ rệt", nhà kinh tế Ross DeVol nhận xét.
Về lý do nhân lực muốn thử cơ hội với các công ty nhỏ, chuyên gia DeVol cho rằng họ ngày càng hứng thú với những công ty theo đuổi mục đích riêng, cùng với niềm tin rằng mình có thể tạo ra ảnh hưởng lớn hơn ở những khu vực ít người.
AppHarvest, startup chuyên xây dựng nông trại trong nhà ở bang Kentucky, gần đây tuyển hai nhân viên cấp cao từ San Francisco và một người từ New York. Tân giám đốc nhân sự Marcella Butler từng là một giám đốc ở Google và phụ trách nhân sự tại Impossible Fooods cho tới tháng 9/2019.
Trước khi làm việc cho AppHarvest, Butler đang trong giai đoạn tuyển chọn cuối với hai tập đoàn công nghệ lớn tại San Francisco. Trong lúc xem xét lựa chọn, bà nhớ đến mô tả của một người bạn về "văn hóa khan hiếm" ở Thung lũng Silicon. "Dù đây là một trong những nơi giàu có nhất thế giới, những người ở đó không bao giờ có đủ thời gian, vốn liếng hay bất kỳ thứ gì", người bạn nói.
Butler bán xe và nhà ở bang California hồi tháng 7 và chuyển đến phía đông sinh sống. Khoản đền bù cho bà đi kèm lượng cổ tức lớn hơn những công việc khác, nhưng mức lương cơ bản của Butler lại thấp hơn 100.000 USD.
"Dường như mức chi trả cho tôi thấp hơn, nhưng sức mua và chất lượng cuộc sống thì không thể sánh được. Cuộc sống ở đây rất phong phú, điều mà tôi không tìm thấy ở Thung lũng Silicon", bà cho hay.
Điệp Anh (theo Wall Street Journal)