Ngày 8/8, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã đánh giá về việc tinh giản bộ máy của Bộ Công an theo Nghị định 01 của Chính phủ.
- Theo ông, lý do gì Bộ Công an là đơn vị đầu tiên tinh giản bộ máy?
- Do nhu cầu đảm bảo an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội do diễn biến phức tạp, Bộ Công an quyết tâm giảm bớt tầng lớp trung gian để chỉ đạo tốt hơn. Bộ Công an nhận được sự chỉ đạo của các cấp lãnhđạo, có sự quyết tâm chính trị rất lớn nên việc tinh giản được diễn ra đầu tiên trên cả nước.
Ngoài ra, bộ máy Bộ Công an thời gian qua bộc lộ rõ sự cồng kềnh, chồng chéo... Trước đây một nhiệm vụ có thể vài ba cục làm, như vậy diễn ra cơ chế phối hợp không tốt, chồng chéo đã dẫn đến hiệu quả không cao.
Do vậy, Bộ Công an quyết tâm đổi mới để hướng tới mục tiêu sáp nhập các đơn vị này lại về một mối chỉ đạo để một đơn vị có thể làm được nhiều việc hơn, hiệu quả hơn.
- Từ ngày 6/8, Bộ Công an xóa bỏ 6 Tổng cục, giảm 60 cục, và 1.900 đầu mối, theo ông, những lãnh đạo và cán bộ biên chế thuộc các đơn vị này sẽ được sắp xếp thế nào?
- Về cơ bản biên chế, số thành viên của các tổng cục, cục này không thay đổi nhiều vì được chuyển sang các cục mới sáp nhập hoặc về địa phương. Thay đổi lớn nhất là giảm các chức danh lãnh đạo của tổng cục và cục, các phòng ban.
Với lãnh đạo như Tổng Cục trưởng của 6 tổng cục sau khi nghị định có hiệu lực chỉ còn là nguyên lãnh đạo. Những cán bộ này tùy theo lĩnh vực công tác có thể được bố trí về cơ quan tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng hoặc nếu còn tuổi công tác sẽ được bố trí xuống làm Cục trưởng, Cục phó của các Cục.
Một số lãnh đạo cục còn đủ tuổi và có khả năng sẽ được tăng cường xuống địa phương còn phức tạp về an ninh trật tự làm giám đốc hoặc phó giám đốc công an tỉnh.
Trên thực tế số lượng lãnh đạo đến tuổi và sắp đến tuổi nghỉ hưu trong đợt này là khá lớn, thậm chí có người còn khoảng gần một năm nữa mới về hưu nhưng đã tự nguyện xin nghỉ hưu sớm để hưởng chế độ và tạo điều kiện cho lớp trẻ kế cận cống hiến.
- Khi các cục sáp nhập thành một cục mới, nhân sự lãnh đạo tại các cục này được quy định thế nào?
- Thông thường như các bộ, ngành khác, cấp phó không quá 4-5 người. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an dù đặc biệt nhưng có thể không vượt quá nhiều so với số cấp phó theo quy định của các bộ.
Hiện chưa có quy định cụ thể bao nhiêu cấp phó. Vấn đề này cũng đang được hoàn thiện ở Luật Công an nhân dân sửa đổi và chờ chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
- Bộ Công an dự kiến đưa 25.000 công an chính quy về xã, vậy theo ông hơn 9.300 trưởng công an xã hiện nay sẽ đi về đâu, làm gì?
- Mục tiêu của Bộ Công an là đến 2020 giảm 10% biên chế. Trong đó có việc đưa dần 25.000 công an chính quy về xã làm việc. Tuy nhiên hiện nay các cơ sở pháp lý chưa đầy đủ nên việc đưa công an chính quy đồng loạt về xã chưa thể thực hiện được mà phải làm thí điểm tại các địa bàn trong điểm về an ninh trật tự trước. Khi hoàn thiện các quy định về công an xã, Bộ Công an sẽ đưa 25.000 công an chính quy về làm nhiệm vụ.
Khi có đủ cơ sở pháp lý, lực lượng công an xã hiện nay có thể sẽ chuyển sang nhiệm vụ an ninh tổ quốc cơ sở, giống như dân phòng, dân quân, bảo vệ dân phố. Những công an xã này sẽ là công chức do chính quyền bổ nhiệm và trả lương.
- 20 Sở Cảnh sát phòng chữa cháy mới thành lập ngang Công an tỉnh được vài năm nay, tuy nhiên từ ngày 6/8 lại quay về trực thuộc Công an tỉnh quản lý. Ông lý giải điều này như thế nào?
- Việc thí điểm có thể là chưa thành công hoặc thành công chưa mỹ mãn thôi chứ không phải là không hiệu quả. Tuy nhiên việc tách rồi nhập, nhập rồi tách ít nhiều nó cũng ảnh hưởng đến mặt con người, như phải bổ nhiệm lại lãnh đạo, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, con dấu, chức danh...
Ngày 6/8, Bộ Công an chính thức giảm 6 tổng cục; giảm 60 đơn vị cấp cục và tương đương xuống còn hơn 50 cục. Bộ giảm gần 300 đơn vị cấp phòng.
20 Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Vì vậy, công an cấp tỉnh giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và giảm 1.000 đơn vị ở cấp đội.