Carson, Phillip -
Trong truyện Mình đang gọi từ đâu (Where I’m calling from), Carver xây dựng một nhân vật tên là Tiny đang điều trị tại trại cai nghiện Frank Martin. Ngay sau khi kể cho các bạn cùng cai nghiện rằng anh ta đã khỏe hơn và chẳng mấy chốc sẽ rời viện, anh ta đột ngột rơi vào một cơn tai biến mạch máu não. Carver thường nghi ngờ ở vận may. Trong những năm tháng thành công và cũng là những năm tỉnh táo, ông không bao giờ hết ngạc nhiên rằng mình có thể có một chiếc thuyền để đi câu cá, lại có hai chiếc xe - trong đó có một chiếc Mercedes - không hỏng suốt ngày.
Trong một bài phỏng vấn, Maryann cho biết: Ray thường phải mất 5 đến 6 năm để chuyển chất liệu thành một truyện ngắn, dù đó là chuyện của chính ông, chuyện do ai đó kể cho ông hay đơn giản là một câu ông tình cờ nghe thấy (Halpert 90). Ray bỏ uống rượu từ ngày mồng 2/6/1977 và cũng bỏ bút hầu như suốt năm đó. Vào thời điểm đó ông không quan tâm đến việc liệu ông có viết lại hay không; lúc này cuộc sống điều độ với ông mới là điều quan trọng. Thời gian đầu bỏ rượu, ông lập ra một liên hệ nào đó giữa việc cầm bút với tật nghiện rượu, cái đã hủy hoại cuộc đời ông. Có lẽ vì sáng tác vốn dĩ luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của ông, tình yêu lớn nhất của ông, nhưng rượu đã giành mất tình yêu và sự quan tâm đó. Sự ngẫu nhiên giữa việc sách của ông được xuất bản và việc ông bắt đầu uống rượu có thể đã góp phần nuôi dưỡng mối liên hệ mang tính tâm lý này. Dù gì đi nữa, giai đoạn đầu của cuộc đời Carver, "những tháng ngày đen tối của Raymond" như ông gọi đã trôi qua; giai đoạn thứ hai tỉnh táo, chừng mực đã bắt đầu. Có lúc ông không viết một chữ nào. Sau đó ông viết một số truyện in trong tập Chúng tôi nói gì khi chúng tôi nói về tình yêu (What we talk about when we talk about love). Tuyển tập đó được nhà xuất bản Gordon Lish phát hành năm 1981. Cuốn sách này đánh dấu sự kết thúc giai đoạn đầu trong sự nghiệp viết văn của ông. Theo bà Maryann, năm 1982, tức khoảng 5 năm sau giai đoạn viết thứ nhất, ông đã hình thành phác thảo đầu tiên cho truyện Thánh đường (Cathedral), truyện sẽ được lấy tên làm tựa đề cho tập truyện sau của ông. "Tôi đã thay đổi hoàn toàn cách viết và tôi thật vui vì điều đó. Khởi đầu của sự thay đổi này là truyện Thánh đường, và tôi ghi lại sự thay đổi này tính từ ngày đó"(Gentry 29). Về sau, khi đã hoàn thành tuyển tập và suy ngẫm về sự tiến triển của mình trong nghiệp viết, ông bình luận về cái đẹp của cuộc sống mới như sau:
Những truyện trong tập Chúng tôi nói gì khi nói về tình yêu khác với [những truyện tôi đã viết trước kia] rất nhiều... Tôi đã phải khổ công, phải cật lực như chưa từng có với các truyện này cho tới khi chúng được in. Khi sách đã trong tay nhà xuất bản, tôi không viết gì trong vòng 6 tháng. Truyện đầu tiên tôi viết sau đó là truyện Thánh đường; nó khác hoàn toàn so với tấc cả các tác phẩm tôi viết trước đó. Tôi cho rằng nó phản ánh một sự thay đổi lớn trong cuộc sống cũng như cách viết của tôi ... Tôi biết tôi đã tiến xa hơn theo một hướng khác, tới tận cùng ý hướng tôi và sức lực tôi, cắt bỏ mọi thứ cho tới tận tủy chứ không phải chỉ tận xương. Chỉ cần tiến xa hơn chút nữa theo hướng đó [hướng cũ], tôi sẽ lâm vào ngõ cụt - [chỉ còn] viết và in ra những thứ mà chính tôi không muốn đọc - đó là sự thật. (Gentry 44)
Sự thay đổi bất ngờ và quyết liệt trong phong cách của Carver đánh dấu một sự khai mở. Cuộc sống mới đòi hỏi một cái nhìn mới về mọi vật, mới và cũ; và dù không muốn nhìn lại quá khứ của mình quá lâu, ông vẫn đọc lại truyện Tắm (The Bath) trong tập Chúng tôi nói gì khi nói về tình yêu. Dù truyện này từng được in trong một tuyển tập và giành giải thưởng văn học Colombia mang tên Carlos Fuentes, ông vẫn viết lại, kéo dài gấp ba lần bằng cách triển khai một đoạn kết mà ông cảm thấy là đoạn kết đích thực. Truyện thứ hai là Điều tốt lành nho nhỏ (A Small, Good Thing). Ông nói về hai dị bản của truyện này như sau: "Tôi thấy đây là hai truyện khác nhau hoàn toàn, chứ không phải là hai dị bản của cùng một truyện" (Gentry 102). Những truyện này khác nhau như hai giai đoạn của đời ông. Theo một nghĩa nào đó, ở giai đoạn thứ hai, ông đang viết lại giai đoạn đầu. Ông nói tiếp: "Tôi lục lại những truyện đã viết ở giai đoạn đầu vì tôi nhận thấy trước đây tôi chưa thực sự tận tâm tận lực để hoàn thành chúng. Câu chuyện chưa được kể lại một cách độc sáng; nó đã bị phung phí, bị cô đúc và nén chặt trong Tắm để làm nổi bật mối đe dọa mà tôi muốn nhấn mạnh" (Gentry 102). Hầu hết những người đọc cả hai truyện đồng ý rằng việc đó [viết lại truyện] là việc đáng làm. Nỗi ám ảnh của Carver và nỗ lực của ông trong việc viết lại truyện được đền bù xứng đáng khi Điều tốt lành nho nhỏ được giới phê bình khen ngợi, nhận giải thưởng văn học năm 1983 và giải Pushcart VIII cùng năm. Carver đạt đỉnh cao nghề nghiệp khi ông cùng với Cynthia Ozick giành giải thưởng của Viện hàn lâm nghệ thuật Mỹ và giải Harold Strawss Living, với tiền thưởng trị giá 35.000 đôla/năm, miễn thuế kéo dài trong năm năm. Giải thưởng này không chỉ giúp Carver không còn phải mất thời gian dạy học kiếm sống mà còn không phải làm bất cứ việc nào khác (Gentry xxvi). Một lần nữa, nhìn lại cuộc đời Carver, ta thấy ông quả thật xứng đáng được hưởng năm năm cuối đời dành trọn thời gian cho việc cầm bút. Thế nhưng, khi ông đã có được điều đó, thần công lý trong nghệ thuật lại không cho ông tiếp tục vươn cao hơn. Ông đã không thể viết được truyện nào hay hơn những gì bản thân ông trải nghiệm.
Điều thú vị là cả Điều tốt lành nho nhỏ và Thánh đường đều là những truyện của Carver thường được đưa vào hợp tuyển hơn cả. Tuy có ý kiến bất đồng, nói chung hai truyện này được coi là hay nhất và được đọc nhiều nhất so với các truyện khác của ông, có lẽ là do độ mở, sự phóng khoáng mà Carver cảm nhận được trong cuộc sống của ông và đưa vào tác phẩm. Trớ trêu thay, hai truyện này, vốn nổi tiếng nhất trong các tác phẩm của ông, lại ít tiêu biểu nhất cho lối viết của ông. Thậm chí trong tuyển tập cuối cùng, Mình đang gọi từ đâu, các truyện mới sáng tác và truyện viết lại [từ những truyện cũ] cũng không giống nhiều lắm so với hai ví dụ trên.
Tuy nhiên, Errand, truyện được xuất bản sau cùng và cũng là tác phẩm cuối cùng trong tập này, lại cũng khác bất cứ truyện nào Carver từng viết. Có lẽ vì đây là một trong đôi ba tác phẩm của Carver không có liên quan gì đến vốn sống cá nhân của ông. Ông lấy cảm hứng viết truyện này khi đọc tiểu sử của Chekhov do Henri Troyat viết. Hoặc, như Douglas Unger cho biết, nó có thể liên quan tới "ảnh hưởng mạnh mẽ" của bản thân cuốn tiểu sử. "Tôi đang ở Yaddo khi truyện đó ra đời, và tình cờ lúc đó tôi cũng đang có một bản copy tiểu sử Chekhov của Henri Troyat". James Salter lưu ý rằng đoạn viết về cái chết [của Chekhov] trong cuốn tiểu sử của Henri Troyat và phần lớn [những đoạn viết] về cảnh chết trong truyện Errand hầu như giống hệt nhau, giống đến từng từ. Điều này đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt trong văn giới lúc đó" (Halpert 71). Với Carver, việc sử dụng tư liệu đó chẳng có gì khác với việc sử dụng một câu chuyện mà bạn bè kể cho ông nghe. (Halpert 72)
Trong Thánh đường, nhân vật chính có nhiều cái chung với [nhân vật trong] nhiều truyện của ông: đó là những người có phần thiếu khả năng đồng cảm với người khác và luôn e sợ những sự khác biệt, chẳng hạn như sự mù lòa của [nhân vật chính] Robert. Nhưng mối quan hệ được phát triển trong truyện lại khác rất nhiều so với nếu Carver viết truyện này 6, 7 năm trước đó. Nếu Carver viết truyện này sớm hơn, nhân vật chính hẳn đã không thể vượt qua nỗi sợ vô hình và hẳn đã làm một số việc ngu ngốc xúc phạm tới Robert. Bản thân Robert hẳn cũng đã khác, ông ta hẳn đã thiếu cởi mở hơn, có lẽ ông ta sẽ là hiện thân cho những điều tồi tệ nhất xảy ra trong đời nhân vật kể chuyện. Lẽ ra câu chuyện đã có thể như vậy, và hẳn phải như vậy mới tiêu biểu cho nhãn quan chung của Carver. Thế nhưng, truyện ngắn này lại phản ánh sự thay đổi trong đời ông và công việc của ông, cho thấy nhãn quan của một nhà văn có thể thay đổi như cuộc sống của người đó. Sự tiến triển của sự nghiệp Carver đại diện cho một thực tế mà giới phê bình không nhắc tới; đó là một thực tại bẩn thỉu, và tác phẩm của ông phản ánh thực tại đó. Ảo tưởng của giới phê bình - rằng người ta có thể bóc tách, săm soi rồi lắp ráp lại một vật để nhìn rõ nó dưới một ánh sáng khác đầy đủ hơn - bị phô bày qua tác phẩm của Carver. Các lý thuyết gia chính trị cho rằng Carver đã thay mặt cho giai cấp lao động nghèo phản đối chủ nghĩa tư bản Mỹ. Một số nhà phê bình lại chỉ trích "chủ nghĩa tối giản" của ông là sự cáo chung của văn chương đích thực.
Một ví dụ cụ thể: Mark Helprin, người biên tập cuốn Các truyện ngắn hay nhất nước Mỹ năm 1988 dành phần giới thiệu của mình để lên án những người theo "chủ nghĩa tối giản" và tất cả những gì mà ông cho là họ đại diện. Trong suốt 16 trang, ông ra sức cho ta thấy những người theo chủ nghĩa tối giản là cái ung nhọt trên cơ thể văn học. Rồi ông nói ông cảm thấy thật vui sướng khi đọc những tác phẩm có giá trị mà không hề biết tên tác giả, kể cả tên nhà xuất bản cho in truyện đó. Và rốt cuộc, khi ông biết được tên tuổi những người được ông chọn đưa vào tuyển tập: "Tôi ngạc nhiên, vui mừng đến sửng sốt khi phát hiện rằng tôi đã chọn truyện của nhiều tác giả mà cá nhân tôi không thích, của ai đó từng viết một trong những bài điểm sách ngu xuẩn nhất tôi từng đọc, và của ai đó mà tác phẩm của họ tôi khó mà chịu nổi." (Helprin xxvii). Bạn có thể nào ngờ rằng một trong những nhân vật được nhắc một cách bóng gió trên đây, sau khi tác giả đã dành phần lớn bài tiểu luận để hạ thấp "chủ nghĩa tối giản" bằng mọi cách, là ám chỉ vào Raymond Carver, nhưng không ai khác ngoài chính Helprin đã chọn truyện Errand của ông để đưa vào tuyển tập? Sự trùng hợp ngẫu nhiên thật đáng kinh ngạc, và sự sỉ nhục mà chính Helprin muốn nhằm vào kẻ khác lại làm bẽ mặt chính ông ta.
Cuối cùng, mặc dù người ta làm mọi cách - kể cả bằng bài tiểu luận này - để quy toàn bộ sáng tác của Carver vào một ít nét đặc trưng nổi bật, tác phẩm của ông vẫn không trùng khít với bất kỳ sự phân loại nào kiểu đó, cũng như chính cuộc đời ông. Tuổi trẻ lạc quan, lập gia đình sớm, nghiện rượu, suýt chết, hồi phục, bình tâm - tất cả đều không đơn giản, và tất cả đều có trong tác phẩm của ông, chân thật và sáng rõ. Ta có thể chỉ ra bao nhiêu phần trăm truyện của ông có liên quan tới những người lao động nghèo, những người nghiện rượu, hay những kẻ ngoại tình. Hoặc ta có thể nói nhìn chung tất cả những điều ông từng viết đều liên quan tới những kẻ không còn hy vọng hoặc có rất ít hy vọng, nhưng ấy là khi ta chưa đọc truyện nổi tiếng nhất của ông - Thánh đường - mà trong đó hy vọng chiếm vị trí chủ đạo. Có lẽ chỉ cách phân loại rộng nhất mới chính xác mà thôi: ấy là sự thay đổi. Trong một thực tại hữu cơ bẩn thỉu, tác phẩm của Carver thay đổi cùng với cuộc đời ông. Trong đời, ông đã trưởng thành và nhận được những sự cứu giúp mà hầu hết kẻ khác không gặp được. Chuyện gì cũng có thể xảy ra, ông bảo chúng ta như vậy. Có lần ông nói: "Thật kỳ lạ! Bạn chưa từng bắt đầu cuộc sống của mình với ý định sẽ trở thành một kẻ phá sản, một gã nghiện rượu, một tay lừa đảo, một tên ăn trộm. Hoặc một tên nói dối." (Gentry 38) Nhưng đã có lúc Carver là tất cả những kẻ đó. Nếu ta có thể học được một điều, thì điều đó là không có gì bất biến. Chỉ có một điều chắc chắn: ấy là sự thay đổi [của vạn vật và vạn sự].
Nguyễn Minh Huyền dịch từ bản tiếng Anh Carver's Vision của Phillip Carson, 2000.
eVăn hiệu đính.
(c) eVăn 2004
Kỳ 1/2
_____________________
Các tài liệu sử dụng cho bài viết:
Fires, Carver, Raymond, New York, Vintage-Random House, 1989.
Gentry, Marshall Bruce and William L. Stull, eds. Conversations With Raymond Carver. Jackson: UP of Mississippi, 1990.
Halpert, Sam, ed. ...when we talk about Raymond Carver. Layton: Gibbs Smith, 1991.
Helprin, Mark, ed. The Best American Short Stories 1988. Boston: Houghton Mifflin, 1988.