eVăn: Sau khi Carver tạ thế (1988), người ta ngày càng ngạc nhiên trước sức hấp dẫn của những truyện ngắn (được viết theo lối "vô cảm") của ông. Đến nay, đã có hàng nghìn bài viết và công trình nghiên cứu về "phong cách" Carver. Bài viết dưới đây của nhà văn, nhà phê bình Phillip Carson đi sâu vào các chi tiết rất riêng tư trong đời sống của Carver, có thể cung cấp cho độc giả nhiều thông tin thú vị về quan niệm sống và viết của nhà văn được xem là "Chekhov của thế kỷ 20" này.
Carson, Phillip -
Kết hôn với Maryann Burk ngày 7/6/1957 khi mới 19 tuổi, đến tháng 10/1958, vợ chồng Carver đã có với nhau 2 mặt con. Việc này [có gia đình quá sớm] đã ảnh hưởng quyết định tới những năm sau đó của cuộc đời Carver. Thoạt đầu, Carver và vợ cho rằng cứ chăm chỉ làm việc thì sẽ giải quyết được mọi thứ. Trong một bài phỏng vấn, Carver nói: "Chúng tôi cứ nghĩ mình có thể làm tất cả. Dù nghèo nhưng chúng tôi tin rằng nếu cật lực lao động, làm những việc phải làm thì điều tốt đẹp ắt sẽ đến với chúng tôi" (Gentry 123). Mãi đến giữa cuộc đời triền miên làm những nghề nặng nhọc để nuôi con, ông mới nhận ra - hệt như các nhân vật mà ông tạo dựng - rằng sẽ chẳng có gì thay đổi. Trong một bài tiểu luận trích từ tuyển tập Lửa (Fires), ông thuật lại tỉ mỉ một trong những sự kiện có ảnh hưởng mạnh nhất lên việc sáng tác của mình. Đó là vào một chiều thứ bảy đầu những năm 1960, khi Carver vẫn đang là sinh viên Đại học Iowa, vừa làm các công việc lặt vặt vừa trông hai đứa con là Christine và Vance. Lúc đó bọn trẻ đang dự buổi sinh nhật nào đó với các bạn - ông không nhớ chắc, ông thường thừa nhận mình có trí nhớ tồi -, còn ông đang ở chỗ máy giặt tự động. Ông ngồi đợi một trong các máy sấy.
"Hễ một trong các máy sấy ngừng, tôi sẽ đẩy chiếc xe đựng đồ giặt ướt mà lao ngay tới. Bạn có hiểu không, tôi đã ôm đống đồ ướt này chầu chực ở đây hơn 30 phút, chờ dịp để sấy. Tôi đã bỏ lỡ hai ba cái máy sấy rồi, có người đã tới trước. Tôi đến phát điên lên... thậm chí nếu tôi cho đống quần áo này vào thì cũng phải mất một giờ hoặc hơn, quần áo mới khô được. Cuối cùng thì một máy cũng ngừng. Quần áo ở bên trong lộn tung lên. Tôi đang đứng ở ngay đó. Trong nửa phút, nếu không ai đến lấy, tôi sẽ bỏ chúng ra và thay quần áo của tôi vào. Quy định là vậy. Nhưng đúng lúc đó một ngưòi phụ nữ xuất hiện mở nắp máy sấy. Tôi đứng đợi. Bà ta đưa tay vào trong máy giặt và lấy ra mấy thứ quần áo nhưng chúng chưa đủ khô. Bà ta quyết định đóng nắp máy và đặt thêm thời gian hoạt động. Choáng váng, tôi đành đẩy xe ra rồi lại đợi. Tôi nhớ, lúc đó tôi đã nghĩ trong cơn thất vọng tan nát khiến tôi suýt trào nước mắt rằng chẳng có gì, chẳng có bất cứ cái gì từng xảy ra với tôi trong cuộc đời này là ở trong tầm tay tôi, chẳng có gì hệ trọng với tôi, có thể làm mọi thứ thay đổi bằng việc tôi có hai đứa con; rằng tôi luôn luôn phải đèo bòng hai đứa con và luôn luôn phải rơi vào cái cảnh trách nhiệm oằn vai và thường xuyên tuyệt vọng này." (Fires - trang 32-33)
Hình thức khai ngộ này được Carver đưa vào hầu hết truyện của ông - rằng khi bổn phận thường ngày đè nặng lên đôi vai một người thì anh ta chẳng có thể chắc chắn về điều gì cả, dù đó là cuộc sống vợ chồng, sự bình tâm hay thậm chí [việc sử dụng] một máy sấy quần áo. "Phần lớn nhân vật trong truyện của tôi giống nhau ở một điểm: đến một lúc họ hiểu ra rằng sự thỏa hiệp và nhượng bộ đóng vai trò chủ đạo trong cuộc sống của họ", - Carver nói - "Khoảnh khắc khai ngộ đó làm thay đổi cuộc sống thường ngày của họ. Đó là một khoảnh khắc thoáng qua khi họ không muốn nhân nhượng nữa. Thế nhưng sau đó họ nhận ra rằng chẳng có gì thực sự thay đổi hết."(Gentry 80)
Không dưới một lần Carver từng bị chỉ trích là có thái độ hạ cố, kẻ cả đối với nhân vật của mình, mà nói nhẹ hơn, là xử lý nhân vật bằng thái độ mỉa mai. Ông luôn thẳng thừng phủ nhận quan điểm này. "Tôi không kẻ cả với nhân vật của mình, không xem họ như trò hề hoặc tìm lối thoát cho xong chuyện họ một cách láu cá", - Carver nói - "Tôi không mấy quan tâm ai sẽ đọc truyện mình, mà chỉ quan tâm đến các nhân vật, đến những con người trong truyện của tôi. Sự mỉa mai thường làm tôi bứt rứt nếu có ai đó phải trả giá [cho sự mỉa mai ấy]; nếu sự mỉa mai ấy làm hại các nhân vật" (Gentry 185). Quả vậy, nếu đúng là Carver đã "hạ mình" viết về các nhân vật của mình thì lẽ ra ông phải lên án 40 năm đầu đời của chính mình do sự "tầm thường" của nó. Phát biểu trong một bài phỏng vấn năm 1986, ông nói: "Tôi thấm thía nhiều điều về cuộc sống của tầng lớp hạ lưu trong bao nhiêu năm sống cuộc sống cùng khổ như họ. Một nửa gia đình tôi vẫn sống như vậy. Họ vẫn không biết làm cách nào xoay xở để sống trong một, hai tháng tới" (Gentry 138).
Văn nghiệp của Carver bắt đầu hình thành sau khi ông có trong tay bằng cử nhân sau một khóa học ngoài giờ tại Đại học Chico State năm 1958. Mùa thu năm 1959 ông theo học khóa viết văn Creative Writing 101 với một nhà văn chưa lần nào xuất bản sách vừa chân ướt chân ráo tới Chico State: John Gardner. Carver nhận ra Gardner có ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngòi bút của ông mặc dù thời gian ông theo học Gardner rất ngắn, chỉ trong vòng một năm từ 1959 đến 1960. Còn Gardner biết Carver cần có một không gian yên tĩnh để làm việc, do đó ông cho Carver mượn chìa khóa văn phòng làm việc của mình. Trong văn phòng của Gardner, đầy dẫy những thùng sách và bản thảo chưa xuất bản những tác phẩm của một nhà văn chất phác và giản dị, Carver "thường đọc các bản thảo và lấy cắp tiêu đề trong các truyện của ông ấy" như chính ông thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn chính thức vào năm 1977. "Ý tôi là tôi lấy những tiêu đề của ông ấy, những cái gây cho tôi ấn tượng mạnh, viết lại chúng rồi đưa vào truyện của mình. Sau đó tôi cho Gardner xem các truyện với các tiêu đề lấy của ông ấy, và tôi đã được ông dạy cho một bài học về cách xử thế sơ đẳng và nhiều điều tương tự" (Gentry 4). Gardner rất nghiêm khắc khi phê bình bài viết của sinh viên. Ông vạch rõ điều gì là không cần thiết trong một tác phẩm văn chương chân thực. Ông cùng tác giả xem xét từng dòng và góp ý với tác giả tại sao chỗ này nhất thiết phải loại bỏ không bàn cãi, chỗ kia thì có thể thảo luận thêm. Carver thuật lại chi tiết những buổi học của ông với Gardner trong bài tiểu luận John Gardner: Nhà văn - người thầy được in trong tập Lửa:
"Trước mỗi buổi học, Gardner thường sửa bản thảo cho tôi, loại bỏ những câu, cụm từ hoặc từ [mà ông] không chấp nhận, thậm chí đến cả từng dấu ngắt câu; đồng thời giải thích với tôi tại sao nhất thiết phải xóa những chỗ ấy. Có lúc ông đóng ngoặc từng câu, cụm từ hoặc từ; những trường hợp đó chúng tôi sẽ bàn cụ thể, những chỗ ấy thì có thể thương lượng được." (Fires 45)
Carver thừa nhận rằng dù đó không phải là cách học tốt nhất, nhưng khi người ta mới bắt tay vào việc viết lách thì đó quả là những bài học bổ ích.
Ngoài tất cả các ảnh hưởng của gia đình và trường học, yếu tố gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và tiêu cực nhất tới cuộc đời cầm bút của Carver là chứng nghiện rượu. Tật uống rượu đã trở thành thói quen khi nỗi tuyệt vọng trong ông ngày càng tăng, tuyệt vọng do hoài công tìm kiếm "cuộc sống tốt đẹp" với đủ công việc lặt vặt, tuyệt vọng với cảm giác luôn gặp vận rủi do tình trạng tài chính khó khăn mà gia đình ông phải thường xuyên chống đỡ. Trong khi trước kia ông từng lạc quan rằng không có vấn đề gì về tiền nong mà không giải quyết được. Trớ trêu thay, mười năm cuộc đời kể từ khi sách của ông bắt đầu được in tại các nhà xuất bản lớn, nhỏ cũng là quãng thời gian ông chìm trong men rượu. Như ta biết, nhiều nhà văn cùng thời với ông, những nhà văn rất thành công, vì nhiều lý do đã cùng nhau đi trên con đường tự hủy hoại mình. Mặc dù với Carver, không có sợi dây liên hệ nào giữa sự thành công và chứng nghiện rượu, nhưng thời gian sách của ông được công chúng biết đến trùng với những tháng năm ông uống rượu. Khi được hỏi rượu có giúp gì khi ông cầm bút hay không, ông đã thừa nhận rằng vốn sống rất có ích cho công việc của ông, còn rượu thì chỉ tàn phá.
"Hiển nhiên rượu đã giúp tôi viết một số truyện liên quan đến tật nghiện rượu. Nhưng chuyện bản thân tôi từng nghiện rượu nên mới viết những truyện ấy thì hoàn toàn chẳng có gì hay ho... Không, tôi không thấy bất cứ điều gì tốt đẹp ở việc uống rượu ngoại trừ sự lãng phí, đau đớn và thống khổ... Uống rượu chẳng có gì là tốt đẹp trừ chuyện ai đó phải mất đến 10 năm trời trong trại cai nghiện rồi sau đó ra ngoài và viết lại những kinh nghiệm mà y đã trải qua." (Gentry 115)
Có ít nhất hai giai đoạn chính [khác nhau] trong sáng tác của Carver; và để hiểu được sự thay đổi này, ta phải biết sự khác biệt sâu sắc giữa cái được ông cho là giai đoạn đầu và giai đoạn sau của đời mình. Như lời Maryann Carver [vợ đầu của Raymond Carver] kể lại trong một bài phỏng vấn, khi chủ đề chuyển sang Raymond Carver. "Ray đang cho in ấn một số truyện ngắn trên các tạp chí văn học trước khi gia đình chúng tôi chuyển tới Israel theo chương trình nghiên cứu một năm ở nước ngoài của Đại học California. Chúng tôi luôn muốn đi du lịch và rất mong đợi cơ hội này. Lúc ấy Ray đang làm biên tập viên sách giáo khoa ở Viện nghiên cứu khoa học (S.R.A) tại Palo Alto, Carlifornia; anh ấy xin nghỉ phép một năm, và đến tháng 6 năm 1968, chúng tôi thực hiện được mong ước. Nhưng chuyến đi chỉ kéo dài 4 tháng. Thời gian đó Ray và con trai chúng tôi, Vance, không thích thú gì chuyện bốn người chen chúc trong một căn hộ chỉ có 2 phòng ngủ tại ngoại ô Jerusalem. Bọn trẻ không có trường học dạy bằng tiếng Anh như bố mẹ chúng đã hứa. Thay vào đó chúng phải mất một tiếng rưỡi và 3 chặng xe buýt mới tới được trường học tại Jaffa, một thành phố Ả-rập cổ." - Maryann nhớ lại. "Hôm đó, khi bọn trẻ vừa rời bến xe buýt được 15 phút, một quả bom giấu trong một thùng rác đã nổ tung, giết chết 6 người". Bà cũng nhớ rất rõ câu nói của Ray: "Đây là giai đoạn bận rộn nhất trong đời tôi: nghiên cứu tại trường đại học, học tiếng Hebrew, nghe Golda Meir nói chuyện, học các điệu dân vũ Do Thái, đưa đón bọn trẻ" (Halpert 94). Tháng 10, gia đình ông quay về Hollywood sống với họ hàng đến tận tháng 2 năm 1969. Cũng trong thời gian này, Ray được S.R.A nhận trở lại viện để làm việc. Năm 1970 Ray được nhận Giải thưởng Sáng tạo Thơ ca Quốc gia. Đến tháng 9 cùng năm, công việc của ông tại S.R.A kết thúc. Cùng Giải thưởng nói trên, ông cũng nhận trợ cấp thôi việc của Viện khoa học và các khoản trợ cấp thất nghiệp. Số tiền này đã giúp ông có thể chú tâm vào việc sáng tác trong vòng một năm. Như Maryann kể lại, thì thời gian đó ông đã làm được một khối lượng công việc khổng lồ:
Năm đầu tiên tôi dạy học tại trường trung học Los Altos, Ray có một năm chỉ dành riêng cho việc sáng tác và anh đã viết rất nhiều tác phẩm. Truyện Làm ơn im lặng, được chứ? (Will you please be quiet, Please?) được viết năm 1971 nhưng mãi đến năm 1976 mới đuợc xuất bản, suốt năm năm trời đó không lúc nào hơi thở Ray không sặc mùi rượu. Sức khỏe suy kiệt, Carver phải nghỉ việc tại Đại học Carlifornia, Santa Barbara sớm một học kỳ (năm 1974). Mãi đến năm 1978 anh mới có thể tiếp tục làm việc. (Halpert 95).
Việc uống rượu đã lấy hết toàn bộ thời gian của ông. Ông tự nhận mình là kẻ thực hành uống rượu 24 trên 24. Năm 1976, năm mà cuốn Làm ơn im lặng, được chứ? với sự giúp đỡ của Gordon Lish được Nhà xuất bản McGraw-Hill phát hành, cũng là năm Ray rơi xuống đáy vực. Từ tháng 10 năm 1976 đến tháng 1 năm 1977 ông phải vào bệnh viện tới 4 lần mà nguyên nhân chỉ vì rượu. Vào tháng 10 gia đình Carver đã phải bán nhà và đây cũng là lúc hai vợ chồng Carver bắt đầu sống ly thân. Douglas Unger kể lại thời gian này như sau:
Chúng tôi ai cũng biết Ray sẽ chết nếu anh ấy không chịu bỏ rượu. Anh ấy cũng biết thế... Lúc này anh ấy đã bị tai biến mạch máu não. Chỉ một lượng rượu nhất định, đặc biệt là với kẻ nghiện rượu nặng, có thể chi phối đáng kể hoạt động của hệ thần kinh. Vì thế nếu ngừng uống, họ có nguy cơ bị tai biến mạch máu cũng như mắc chứng động kinh. Những triệu chứng này rất nguy hiểm. Não bị hủy hoại vì những cơn co thắt (Halpert 59).
( Còn nữa)
_________________
Các tài liệu được Phillip Carson sử dụng cho bài viết:
Fires, Carver, Raymond, New York, Vintage-Random House, 1989.
Gentry, Marshall Bruce and William L. Stull, eds. Conversations With Raymond Carver. Jackson: UP of Mississippi, 1990.
Halpert, Sam, ed. ...when we talk about Raymond Carver. Layton: Gibbs Smith, 1991.
Helprin, Mark, ed. The Best American Short Stories 1988. Boston: Houghton Mifflin, 1988.