Đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều tác động đến chuỗi cung ứng bao gồm lĩnh vực chế tạo và logistics. Song, đây cũng là cơ hội thúc đẩy sự dịch chuyển của ngành dựa trên các yếu tố khả năng phục hồi, tính cạnh tranh và bền vững.
Giải quyết những thách thức trong đại dịch như thiếu hụt container, giãn cách xã hội... khiến các doanh nghiệp rút ra nhiều bài học. Việc xử lý các gián đoạn chuỗi cung ứng hiệu quả đã tạo ra quá trình chuyển đổi công nghệ được gọi là Logistics 4.0. Trong giai đoạn này, công nghiệp chế tạo và logistics đẩy mạnh tích hợp hệ sinh thái của mình với các công nghệ tiên tiến, như sử dụng hệ thống Internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, quy trình xử lý ngôn ngữ và sản xuất tinh gọn trong quản lý chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, khi đại dịch đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, các hoạt động trong chuỗi cung ứng cần chuyển đổi để theo hướng bền vững và số hóa. Để đáp ứng cả hai nhu cầu trên, Logistics 5.0 được giới chuyên gia đánh giá như một "cuộc cách mạng bắt buộc".
Nhìn lại Logistics 4.0 trong chuỗi cung ứng
Cốt lõi của Logistics 4.0 bao gồm các công nghệ và sự kết hợp của chúng vào lĩnh vực logistics.
Logistics 4.0 sử dụng thông tin để bổ sung, cải thiện các hoạt động và quy trình quản lý chuỗi cung ứng. Chuỗi khối (Blockchain), điện toán đám mây và các công nghệ khác giúp bảo mật việc trao đổi dữ liệu và giữ cho lĩnh vực logistics được phân cấp một cách thuận tiện.
Đồng thời, các thiết bị thông minh như hệ thống quản lý kho hàng, vận chuyển bằng robot và container cũng đóng vai trò như trụ cột trong chuỗi cung ứng tự động. Máy đọc dữ liệu, kệ hàng thông minh và xe tự lái cũng giúp đơn giản hóa quy trình làm việc của con người.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ sử dụng các lô hàng, nguồn cung cấp và đơn đặt hàng được chuẩn bị và đóng gói tùy thuộc vào dự báo doanh số do Dữ liệu lớn (Big data) và máy học (machine learning) tổng hợp.
Việc ứng dụng công nghệ GPS giúp truy tìm vị trí chính xác theo thời gian thực của hàng hóa, từ đó giảm thiểu rủi ro thất lạc, cho phép tối ưu hóa tuyến đường và tăng cường kiểm soát hàng hóa.
Thẻ RFID (thẻ Nhận dạng qua tần số vô tuyến) có thể truy cập thông qua máy tính bảng và điện thoại di động, giúp người vận hành tương tác và theo dõi hàng hóa của họ bất kỳ lúc nào.
Tất cả những công nghệ này khi được tích hợp sẽ giúp thúc đẩy hiệu suất, tăng tính linh hoạt, minh bạch, chất lượng và khả năng đáp ứng của toàn bộ chuỗi cung ứng. Một hệ thống mạng vật lý được tạo ra trong chuỗi cung ứng bằng cách kết nối hoạt động của các công nghệ này.
Số hóa Logistics 4.0 cho phép các công ty bắt kịp với những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng thông qua việc cải tiến và cải thiện hiệu quả nhanh chóng, chính xác.
Tuy nhiên, trong khi Logistics 4.0 tách biệt các hoạt động và công việc của máy móc với con người, các chuyên gia đang đưa ra ý tưởng về Cách mạng Công nghiệp lần thứ năm (Cách mạng Công nghiệp 5.0) hay Logistics 5.0 – với tham vọng sẽ dung hòa con người và máy móc.
Trong khi Logistics 4.0 xác định tự động hóa sẽ nâng cao hiệu suất công việc, Logistics 5.0 khám phá ý tưởng về những lợi ích tiềm năng bằng cách kết hợp lực lượng lao động của con người và máy móc.
Logistics 5.0 sẽ thay đổi cuộc chơi như thế nào?
Logistics 5.0 được coi là giải pháp đề xuất cho mô hình Cách mạng Công nghiệp 5.0. Tương tự như Cách mạng Công nghiệp 5.0, Logistics 5.0 cũng tập trung vào kiến thức và tính bền vững. Đây là quá trình chuyển đổi tập trung vào người lao động và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Logistics 5.0 sẽ cho phép các công ty thực hiện thay đổi từ tự động hóa hoàn toàn sang kết hợp giữa quá trình này và nỗ lực của con người, đồng thời không ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của họ.
Ý tưởng chủ đạo của Logistics 5.0 hướng đến việc ưu tiên môi trường khi tích hợp với công nghệ. Khái niệm này đòi hỏi ngành logistics phải di chuyển theo ba hướng: ưu tiên yếu tố con người, đảm bảo khả năng phục hồi, tăng cường tính bền vững.
Trong Logistics 5.0, người lao động được coi là một khoản đầu tư trong dài hạn. Sức khỏe và trình độ của họ là mối quan tâm sống còn đối với công ty.
Công nghệ sẽ cần được thay thế, bổ sung và điều chỉnh theo nhu cầu và yêu cầu của người lao động. Điều này nhằm đảm bảo rằng công ty được hưởng lợi bằng cách thu hút những tài năng chất lượng cao đến làm việc và duy trì dịch vụ của họ trong thời gian dài.
Những điều này cho thấy rõ rằng mô hình Logistics 5.0 liên quan đến việc cải thiện, nâng cao các lợi ích sinh thái và xã hội hơn so với Logistics 4.0, nơi vốn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ. Từ đó, quá trình phát triển này sẽ mở đường cho một ngành logistics tốt hơn và bền vững hơn trong tương lai.
Hồng Thảo (theo Forbes)