Thiếu hình mẫu như Google, Microsoft
Nhìn nhận nhân lực công nghệ là động lực quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 (Vietnam Ventures Summit) ngày 10/6 có riêng phiên tọa đàm về chủ đề này.
Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos khẳng định, nhân tài trẻ của Việt Nam có sự thông minh, nhạy bén nhờ được rèn giũa qua môi trường giáo dục "khắc nghiệt" từ hồi phổ thông.
Với kinh nghiệm 17 năm vận hành doanh nghiệp tuyển dụng hàng đầu Việt Nam, theo bà Mai, nhân lực ngành ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) còn yếu ở kỹ năng mềm, tư duy kinh doanh và khả năng nắm bắt môi trường xung quanh. Đặc biệt, bà nhận được nhiều phản ánh từ khách hàng là các đơn vị có nhu cầu tuyển dụng rằng, các ứng viên trong ngành này thiếu sự sáng tạo.
"Trong hệ thống giáo dục từ nhỏ, các em không quen với việc lên tiếng, chia sẻ. Việc chất vấn, đặt câu hỏi với giáo viên bị coi là... kỳ lạ khi không tuân theo số đông", bà Mai nhận định. Từ đó, khi vào bậc cao hơn như đại học, đi làm, lên các vị trí cao hơn trong công việc, nhân lực yếu ở nhiều kỹ năng và sức sáng tạo.
Nhận định về công ty khởi nghiệp công nghệ Việt, theo đại diện quỹ Access Venture, không có nhiều doanh nghiệp đưa ra giải pháp cho những vấn đề quy mô lớn như Google, Microsoft, thậm chí chưa có những hình mẫu như vậy tại Việt Nam.Ông Charles Rim - CEO và sáng lập Access Venture, quỹ đầu tư tại Hàn Quốc và Đông Nam Á, với nhiều năm làm việc ở thị trường Việt Nam, đánh giá nhân lực công nghệ tại đây còn thiếu kỹ năng quản lý nhóm 10 - 15 đến hàng trăm người. Ở các cấp cao như CTO, rất ít người có khả năng.
Đào tạo nhân lực - Bài toán cho doanh nghiệp
"Nhiều ứng viên ngành công nghệ thông tin đòi hỏi mức lương cao và thường không gắn bó dài hạn", bà Mai chỉ ra thực trạng được nhiều công ty chia sẻ khi làm việc với Navigos.
Làm sao để giữ nhân viên là vấn đề nhiều doanh nghiệp đau đầu. "Sau chương trình đào tạo, nhân sự tài năng vẫn bỏ công ty. Thậm chí có những doanh nghiệp lớn, cơ sở vật chất tốt, nhân tài cũng không ở lại lâu", Ông Tuấn Phạm - CEO và đồng sáng lập Topica Edtech Group nói. Vị này dẫn chứng, tuổi đời trung bình một người làm việc tại Google, Facebook chỉ từ 24 tháng.
Theo ông Tuấn, cần tìm những nhân sự phù hợp với văn hóa công ty ngay từ vòng tuyển dụng, bằng việc tìm hiểu đam mê, định hướng, cách xử lý vấn đề của họ. "Cần làm rõ câu hỏi, nhân lực mang lại gì cho doanh nghiệp và ngược lại. Những người rời đi và thành công cũng có thể mang lại doanh tiếng cho doanh nghiệp, từ một có thể mang lại 10 người".
Theo đại diện Navigos, doanh nghiệp cần cam kết bồi dưỡng nhân lực, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng cần được tôn trọng. "Nếu ứng viên rời đi sau đào tạo thì pháp luật lại không bảo vệ doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào nguồn nhân lực sau này, nhất là khi không nhiều doanh nghiệp có đủ nguồn lực để đầu tư yếu tố con người", bà Mai nêu ý kiến.
Ông Tạ Hải Tùng - Viện trưởng viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng nhân sự, cần nhiều hơn vai trò của Chính phủ không chỉ ở giáo dục mà còn là nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thêm nhiều bằng sáng chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Huy Nguyễn, sáng lập Holistics Software khẳng định, nhiều bạn trẻ trong ngành ICT còn ít so sánh mình với người xung quanh, với bạn bè ở các quốc gia khác. Theo ông, cần có nhiều hội thảo với các chuyên gia quốc tế, chia sẻ về các vấn đề lớn, toàn cầu như Microsoft, Google để thay đổi nhận thức cho nhân lực ICT, tiếp đó mới bắt đầu tập huấn, đào tạo.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi chọn Việt Nam dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, giá rẻ là chưa đủ, cần có suy nghĩ tầm nhìn dài hạn hơn, cụ thể là về bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao.
Theo báo cáo năm 2018 của Navigos Group, Việt Nam có 955.000 lao động làm trong lĩnh vực ICT. Đây được coi là lĩnh vực đang bùng nổ. Tới giữa năm 2018, có khoảng 30.000 doanh nghiệp liên quan tới IT về phần cứng, phần mềm, nội dung số và dịch vụ ICT.
Phạm Mây