Giấy mời là hình thức thông báo hoặc đề nghị hợp tác của cơ quan điều tra, tòa án... mời những người có liên quan hoặc biết về vụ án đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan vụ án ngoài những trường hợp triệu tập.

Người đàn ông ở Lâm Đồng bị triệu tập vì đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc các hoạt động của cảnh sát, tháng 10/2024. Ảnh: Lê Tiến
Nếu giấy mời liên quan một vấn đề quan trọng hoặc bạn có trách nhiệm hợp tác, việc nhiều lần nhận được giấy mời nhưng không đi có thể bị xem là không thiện chí và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn.
Do vậy, nếu đang đi công tác nước ngoài, bạn cần thông báo cho cơ quan gửi giấy mời về lý do vắng mặt, để tránh bị hiểu lầm là cố tình không hợp tác.
Tùy theo vụ việc, nếu việc bạn không hợp tác gây cản trở quá trình điều tra, xử lý vụ việc, cơ quan công an có thể chuyển sang biện pháp triệu tập, khi đó nghĩa vụ của bạn là phải có mặt theo giấy triệu tập.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng bị can, bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người chứng kiến, người giám định, người định giá tài sản và người phiên dịch, người dịch thuật.
Như vậy, điểm khác biệt giữa giấy mời và giấy triệu tập là nghĩa vụ chấp hành:
- Về giấy mời, bạn có quyền lựa chọn đến hoặc không đến, việc không đến không phải là hành vi vi phạm pháp luật.
- Về giấy triệu tập, khi nhận được giấy triệu tập, bạn bắt buộc phải đến làm việc theo đúng thủ tục tố tụng.
Theo đó, khi nhận được giấy triệu tập, nếu không thể đến làm việc, bạn cần có đơn xin vắng mặt và nêu rõ lý do vắng mặt. Nếu không có lý do vắng mặt chính đáng, bạn có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội