Nói dối là hành vi phổ biến, đặc biệt ở trẻ em. Theo nghiên cứu của chuyên gia Mỹ, một đứa trẻ 4 tuổi nói dối trung bình hai tiếng một lần. Trang Parents đã liệt kê biểu hiện nói dối của trẻ trong từng độ tuổi và đưa ra giải pháp khắc phục.
Trẻ mới biết đi và trước khi vào mẫu giáo
Tiến sĩ Richard Gallagher, nhà tâm lý học lâm sàng, Giám đốc Viện Nuôi dạy con cái tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em của Đại học New York, đánh giá trẻ mẫu giáo còn quá nhỏ để biết chính xác nói dối là gì. Chúng không cố ý bóp méo sự thuật, chỉ là thích phóng đại và bịa ra những câu chuyện cao siêu, thể hiện trí tưởng tượng phong phú chứ không phải dối trá. "Đôi khi, trẻ 3-4 tuổi gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa mơ mộng và thực tế", tiến sĩ Richard nói.
Ông cho rằng về mặt phát triển, trẻ độ tuổi này không đủ trưởng thành để nhận ra điều gì đó không đúng. Đó là lý do vì sao trẻ làm đổ sữa, tay vẫn cầm chiếc cốc trống rỗng và nói rằng một con quái vật đã gây ra việc này.
Nếu đứa trẻ có những biểu hiện này, đầu tiên bạn không nên phản ứng thái quá. Jane Kostelc, chuyên gia về phát triển trẻ em của Trung tâm Quốc gia Giáo dục bố mẹ, một tổ chức giáo dục phụ huynh ở Mỹ, chia sẻ nếu bạn tỏ ra tức giận, trẻ sẽ sợ hãi và tiếp tục nói dối để tránh bị buộc tội. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì đã xảy ra, bình tĩnh nói "Mẹ thấy sữa bị đổ" và đề xuất cách khắc phục "Con lấy giúp mẹ khăn giấy và chúng ta cùng dọn dẹp".
Trường hợp trẻ đang kể một câu chuyện hoang đường, bạn có thể hỏi "Đây là chuyện thật hay giả?". Đứa trẻ rất có khả năng thừa nhận là đã bịa và cả hai có thể cùng nhau bật cười về việc đó.
Trẻ 5-7 tuổi
Trong những năm đầu đi học, trẻ nói dối để tránh bị phạt hoặc để có được điều mình muốn. Đôi khi, lý do lại đến từ việc trẻ sợ làm bạn thất vọng. Tiến sĩ Di Prisco, đồng tác giả cuốn trách Right from Wrong: Instilling a Sense of Integrity in Your Child, chia sẻ nếu bạn tỏ ra khó chịu khi trẻ đánh vần chậm, chúng có thể nói dối về việc bị điểm kém trong bài kiểm tra.
Khi việc nói dối đã trở nên có mục đích, lý do, để giải quyết tình trạng này, bạn cần tìm hiểu động cơ của trẻ khi nói dối. Để bắt đầu, bạn xem xét phản ứng của trẻ khi đề cập đến việc này, xem liệu bạn có kỳ vọng quá cao hoặc áp dụng hình phạt quá khắc nghiệt với trẻ.
Hãy để trẻ hiểu rằng bạn cảm thông với với những cảm giác sợ hãi, xấu hổ, ngượng ngùng khi đã làm sai điều gì đó, nhưng nhấn mạnh mọi người đều mắc sai lầm, kể cả bạn. Bạn cần coi mình là một giáo viên, có nhiệm vụ hướng dẫn và giải thích cho trẻ hiểu, chứ không phải một cảnh sát làm nhiệm vụ trừng phạt trẻ.
Trẻ 8 tuổi trở lên
Ở độ tuổi này, những lời nói dối của trẻ đã có chủ đích hơn khi cố tình "quên" nói với bạn điều gì đó hoặc bỏ sót một vài chi tiết trong câu chuyện. Chẳng hạn, khi lười học, trẻ có thể nói không có bài tập về nhà, nhưng lại không đề cập đến việc ngày mai có bài kiểm tra toán. Ngoài ra, trẻ bắt đầu quan tâm đến bạn bè và địa vị xã hội nên nói dối để xây dựng hình ảnh tốt trong mắt mọi người.
Jane Kostelc nhấn mạnh nếu cho rằng trẻ đang nói dối, bạn nên hỏi trực tiếp "Điều đó nghe không hợp lý, con có muốn suy nghĩ một chút rồi trao đổi lại không?". Khi trẻ sẵn sàng thanh minh hoặc chia sẻ nốt phần còn lại của sự thật, bạn cần bình tĩnh, không mỉa mai và tiếp tục trao đổi với trẻ.
Nếu tình cờ phát hiện trẻ nói dối để thể hiện mình với bạn bè, bạn không nên làm chúng xấu hổ với các bạn. Hãy giả vờ không biết đến khi chỉ còn bạn và trẻ, giải thích rằng chúng không cần nói dối để gây ấn tượng vì được là chính mình mới là điều quan trọng nhất.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng trẻ đang lớn lên và cũng có quyền riêng tư. Nếu bạn gay gắt đến mức tra khảo chúng về nội dung mọi cuộc điện thoại, tin nhắn hay email, trẻ sẽ càng sợ hãi và nói dối nhiều hơn. Dù là đứa trẻ 6 hay 16 tuổi, nếu biết bạn sẵn sàng lắng nghe và không trách phạt, chúng sẽ ít nói dối hơn.
Nếu trẻ nói dối mọi lúc, cả ở nhà lẫn ở trường, với bạn bè và người thân, đồng thời có các hành vi chống đối xã hội như ăn cắp, bắt nạt và không hối hận khi bị phát hiện nói dối, bạn có thể cân nhắc đưa trẻ đến gặp bác sĩ, cố vấn học đường hoặc các nhà tâm lý.
Thanh Hằng (Theo Parents)