Từ đầu tháng 1, anh Tú, trú quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, liên tục nhận hàng chục cuộc gọi từ người xưng danh "cán bộ công an huyện" ở quê, nơi anh đăng ký thường trú. Khi bắt đầu nói chuyện, người này luôn đọc đúng số căn cước công dân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ quê quán của Tú.
"Tôi là Nguyễn Anh Dũng, số hiệu công an..., đang công tác tại đội quản lý hành chính công an huyện nhà anh. Tôi đề nghị anh ngay chiều nay phải mang căn cước công dân ra trụ sở công an huyện để xác minh, làm rõ một số vấn đề có liên quan hành vi vi phạm pháp luật", cuộc điện thoại đầu tiên đến với Tú.
Hoang mang chưa biết chuyện gì đang xảy ra song Tú vẫn "nửa tin nửa ngờ" do anh ta đọc đúng thông tin cá nhân của mình. "Vi phạm pháp luật như nào hả anh, giờ em phải làm gì", Tú hỏi lại.
"Cán bộ công an" lớn giọng quát, nói Tú đang liên quan một đường dây rửa tiền xuyên quốc gia. Nhóm tội phạm đã dùng căn cước công dân của anh để thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy, Tú phải lập tức cầm căn cước đến trụ sở công an huyện ở quê để phối hợp điều tra. Nếu Tú bận quá, anh ta sẽ báo với công an cấp trên để hỗ trợ Tú qua điện thoại.
Nói chuyện đến phần này, Tú nghi đây là cuộc gọi giả mạo nhưng vẫn không khẳng định được nên báo bận, sẽ liên lạc lại sau. Người lạ mặt ở đầu dây bên kia hạ giọng, báo "vậy thì sẽ có điều tra viên công an tỉnh" gọi điện giúp đỡ.
Vài phút sau, một người gọi đến tự xưng là điều tra viên công an tỉnh, đề nghị anh Tú truy cập vào đường link để hướng dẫn cập nhật giấy tờ liên quan vụ án. Lúc này, Tú biết chắc chắn đây là cuộc gọi lừa đảo nên từ chối. Biết không lừa được, viên "công an rởm" buông lời chửi bới rồi tắt máy.
Ngoài trường hợp "thoát bẫy" lừa đảo như anh Tú, không ít người đã bị kẻ mạo danh lừa đảo số tiền lớn. Tháng 12/2024, cụ bà 78 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhận được cuộc gọi từ người lạ tự xưng trưởng phòng cảnh sát hình sự.
Ông ta thông báo bà có liên quan một đường dây ma tuý và mở tài khoản 20 tỷ đồng. Vị "trưởng phòng hình sự" yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản do ông ta cung cấp để chứng minh tài sản hợp pháp và giữ kín thông tin, nếu không sẽ bị bắt. Do lo sợ, ngày 18/12/2024, bà ra ngân hàng chuyển 2,3 tỷ đồng vào tài khoản kẻ lừa đảo cung cấp. Nhiều ngày sau, bà mới biết bị lừa đảo nên ra cơ quan công an trình báo.
Thủ đoạn mạo danh cơ quan công an đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc đề nghị tải ứng dụng để thao tác từ xa là một trong những chiêu trò lừa đảo không mới, song lại rất phổ biến gần đây.

Thủ đoạn giả danh công an gọi điện lừa đảo vẫn diễn ra phổ biến. Ảnh: Ngọc Thành
Theo đại diện Phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, nhóm lừa đảo đa phần ngồi ở các nước lân cận Việt Nam. Chúng có thông tin cá nhân người dùng trước khi gọi điện lừa đảo theo các kịch bản vạch sẵn.
Thông thường, để "quây" một con mồi, chúng có một nhóm khoảng 3 người với "ba cấp bậc công an". Người đầu tiên đóng vai công an cấp huyện hoặc tỉnh để gọi điện đe dọa, kèm thao túng tâm lý như phải cập nhật ngay căn cước công dân hoặc thông báo đang điều tra vụ án rửa tiền, ma túy. Mở đầu cuộc nói chuyện, hắn ta sẽ phủ đầu ngay bằng cách xưng mình là công an, đọc tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ của người đang nghe máy.
Sau "cán bộ công an cấp một" này, một người khác với vai trò "điều tra viên" xuất hiện, gọi hướng dẫn hỗ trợ nạn nhân qua điện thoại. Đầu tiên, hắn sẽ gửi một đường link yêu cầu nạn nhân tải ứng dụng để cập nhật dữ liệu.
Thực chất đây là một ứng dụng chứa mã độc, khi người dùng tải về, nhóm lừa đảo sẽ chiếm toàn bộ quyền sử dụng điện thoại từ xa. Lúc này, "điều tra viên" tiếp tục trò chuyện để thao túng tâm lý, còn người khác đang ngồi ở máy tính bên cạnh sẽ điều khiển điện thoại người dùng để truy cập ứng dụng ngân hàng.
Đến bước cần sinh trắc học để chuyển tiền đi, "điều tra viên" đang nói chuyện sẽ tìm nhiều lý do để nạn nhân bật video cuộc hội thoại. Chỉ cần nạn nhân bật camera, nhóm lừa đảo sẽ lập tức lấy hình ảnh khuôn mặt để chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng của họ. Trường hợp không bật camera, chúng sẽ "chấp nhận" lấy số tiền dưới 10 triệu đồng do khi chuyển không cần dùng sinh trắc học.
Phòng 5 cho hay, nhóm lừa đảo thường nhắm đến người dùng điện thoại Android. Với người dùng iPhone (phần mềm IOS), chúng sẽ không chiếm được quyền điều khiển điện thoại. "Với người dùng IOS, chúng lấy lý do là không hỗ trợ được để rút lui. Một cách bắt đầu và kết thúc cuộc trò chuyện rất hợp lý khiến người dân không nghi ngờ", trinh sát nói.
Trinh sát này khẳng định cơ quan công an sẽ không làm việc qua điện thoại nên người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi đến từ số máy lạ. Khi giải quyết thủ tục hành chính, vụ việc hình sự, công an sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc phân công cảnh sát khu vực trực tiếp mời người dân đến trụ sở làm việc.
Khi có người gọi điện tự xưng là "cán bộ công an" yêu cầu cài app hoặc chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để bảo lãnh cho bản thân, nộp phí hồ sơ, người dân cần xác định ngay đây là cuộc gọi lừa đảo.
Để tự bảo mật thông tin cá nhân, công an khuyến cáo mọi người không công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội, không tùy tiện đăng nhập tài khoản mạng xã hội trên các website, ứng dụng không phải do các nhà phát hành cung cấp. Người dùng không tải app qua link do người lạ cung cấp, không đăng nhập hoặc đọc mã OTP xác thực cho người lạ.
Gần đây, liên tiếp các ổ nhóm ở nước ngoài lừa đảo qua mạng bị bắt khi vừa nhập cảnh về Việt Nam. Theo nhà chức trách, đây là minh chứng cụ thể cho công tác phối hợp về phòng chống tội phạm ngày một tốt hơn; là cảnh tỉnh cho những người có ý định sang nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội bởi "trước sau sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam".