TS Lương Công Nhớ, hiệu phó của ĐH Hàng hải, cho biết, nhà trường và thân nhân không còn hy vọng thuyền viên nào còn sống sót. Bởi điều kiện thời tiết tại vùng biển Gunsan lúc tàu gặp nạn rất khắc nghiệt, nhiệt độ là âm 4 độ C, sóng cao tới 5 m, trời mù. Mặt khác từ ngày tàu bị đắm đến nay (23h10' giờ Hà Nội, tương đương 0h40' giờ Hàn Quốc), đã là 5 ngày, khoảng thời gian quá dài để các thuyền viên có thể trụ được. Vì thế, lãnh đạo ĐH Hàng hải quyết định đến 15h ngày 13/2 sẽ làm lễ truy điệu tập thể 18 thuyền viên tại trường.
Phía Hàn Quốc vẫn đang tích cực triển khai lực lượng tìm kiếm thi thể nạn nhân. Có ngày, số tàu cứu hộ lên tới 19, trong đó có 2 tàu quân sự. Các thợ lặn cũng được lệnh xuống biển để tìm xác nạn nhân có thể còn kẹt lại trong khoang tàu. Hiện Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Công ty Kysco (chủ tàu Duri) và cơ quan chức năng của Hàn Quốc tiến hành các thủ tục đưa nạn nhân về nước. "Quan điểm của chúng tôi là đưa xác thuyền viên về để gia đình mai táng theo phong tục Việt Nam, chứ không hỏa thiêu tại Hàn Quốc. Song để triển khai được gặp rất nhiều khó khăn bởi số thi thể quá lớn, thủ tục hàng không rất khó khăn. Chúng tôi đang đàm phán về việc này", ông Nhớ cho biết.
18 thuyền viên trên tàu Duri mua bảo hiểm Công ty P&I của Anh, chi nhánh đóng tại Nhật Bản. Nếu tàu gặp nạn, thuyền viên bị chết hoặc mất tích sẽ được bồi thường với mức tối thiểu là 25.000 USD. Về phía ĐH Hàng hải, lãnh đạo trường đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng. Cơ quan này cũng có chủ trương hỗ trợ con em của các nạn nhân đến tuổi trưởng thành; tạo việc làm cho con cái, anh em của họ.
Cũng theo ông Nhớ, từ khi thành lập trung tâm thuyền viên đến nay (cách đây 6 năm), đây là vụ tai nạn tàu biển để lại hậu quả nặng nề nhất, với số người thiệt mạng cao nhất. Điều đáng tiếc là chỉ còn 1-2 tháng nữa thì 2/3 số thuyền viên sẽ hết hạn hợp đồng xuất khẩu lao động (hợp đồng 12 tháng, cộng trừ thêm 2 tháng).
Các gia đình mất đi trụ cột. Với mức lương từ 317 USD đến 2.000 USD, các thuyền viên trở thành trụ cột của gia đình. Nay họ mất đi để lại những mất mát to lớn. Trong số đó, có người đang rất khó khăn như thuỷ thủ Vũ Xuân Lực, 30 tuổi, quê xã Di Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Anh Lực ra đi mà không kịp về nhìn di ảnh của người bố mất cách đây 3 tháng, nhìn mặt đứa con đầu lòng mới sinh. Người mẹ già, người vợ trẻ và đứa em trai đi làm ăn xa đang chìm trong nỗi đau.
Có những người rất trẻ như thợ hàn Lê Văn Toàn, 24 tuổi, chưa lập gia đình. Hay thợ máy Bùi Việt Anh mới 25 tuổi. Cao tuổi nhất là thuỷ thủ trưởng Bùi Văn Đại, 50 tuổi.
Danh sách 18 thuyền viên và đôi nét về thân nhân. Những người đã tìm thấy xác và được nhận diện được đánh dấu *:
1- Thuyền trưởng Vũ Hữu Phong, 40 tuổi, có 1 vợ, 2 con. Anh Phong cũng là giáo viên của ĐH Hàng hải.
2- Thuyền phó 1 Nguyễn Cảnh Hào, 33 tuổi, 1 vợ, 1 con, là giáo viên của ĐH Hàng Hải.
3- *Thuyền phó 2 Nguyễn Long, 29 tuổi, chưa lập gia đình.
4- *Thuyền phó 3 Bùi Đình Tuấn, 31 tuổi, 1 vợ, 1 con.
5- Máy trưởng Trần Ngọc Tưu, 48 tuổi, 1 vợ, 3 con. Anh Tựu là giáo viên của ĐH Hàng hải.
6- *Máy thứ nhất Trần Hùng Sơn, 39 tuổi, 1 vợ, 1 con.
7- Máy thứ hai Phạm Kim Cương, 32 tuổi, 1 vợ, 1 con.
8- *Máy thứ ba Nguyễn Sơn, 48 tuổi, 1 vợ, 3 con.
9- Thuỷ thủ trưởng Bùi Văn Đại, 50 tuổi, 1 vợ, 2 con.
10- *Thuỷ thủ Vũ Thế Thắng, 29 tuổi, chưa lập gia đình.
11- Thuỷ thủ Vũ Xuân Lực, 30 tuổi, 1 vợ, 1 con.
12- Thuỷ thủ Hoàng Văn Tuyến, 27 tuổi, chưa lập gia đình.
13- *Thợ máy Vũ Xuân Hoàng, 31 tuổi, 1 vợ, 1 con.
14- *Thợ máy Bùi Việt Anh, 25 tuổi, 1 vợ, 1 con.
15- *Thợ máy Nguyễn Văn Phong, 28 tuổi, chưa lập gia đình.
16- *Thợ hàn Đặng Văn Nguyên, 28 tuổi, chưa lập gia đình.
17- *Thợ hàn Lê Văn Toàn, 24 tuổi, chưa lập gia đình.
18- *Bếp trưởng Nguyễn Văn Mễ, 39 tuổi, 1 vợ, 1 con.
Như Trang