Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết IMF đã nâng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ từ mức 10,92% lên 12,28% trong rổ tiền tệ Special Drawing Rights (SDR - Quyền rút vốn đặc biệt). Đây là lần xem xét định kỳ đầu tiên kể từ khi đồng tiền của Trung Quốc được đưa vào rổ SDR vào năm 2016.
Trước kết quả trên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng tuyên bố họ và các cơ quan quản lý khác "sẽ tiếp tục kiên quyết thúc đẩy việc mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc". Ngân hàng trung ương nước này cũng hứa sẽ đơn giản hóa quy trình của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Trung Quốc.
SDR là một tài sản dự trữ quốc tế có thể được chuyển đổi thành năm loại tiền tệ. Việc đồng nhân dân tệ gia nhập SDR đưa loại tiền này trở thành một trong năm đồng tiền dự trữ toàn cầu vào năm 2016, sau nhiều năm nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu.
Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh kể từ cuối tháng 4, do phải đối mặt với tác động kép. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại do các đợt phong tỏa chống dịch. Thứ hai, dòng vốn chảy ra ngoài vì sự phân kỳ chính sách tiền tệ của nước này với Mỹ ngày càng rộng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đặt tỷ giá tham chiếu cho đồng nhân dân tệ ở mức thấp hơn dự kiến trong ngày thứ 9 liên tiếp vào hôm 13/5, tiếp tục kiên trì quan điểm sử dụng các công cụ tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Cơ quan này mới đây cũng cam kết sẽ kéo dài thời gian giao dịch ngoại hối liên ngân hàng, cung cấp nhiều loại tài sản hơn và cải thiện việc công bố thông tin để tạo điều kiện đầu tư tốt hơn cho các tổ chức toàn cầu.
Tuy nhiên, USD mới là loại tiền có biên độ tăng nhanh nhất trong rổ SDR, hiện chiếm 43,38%. Trong khi tỷ trọng của đồng euro, yen Nhật và bảng Anh lại giảm. Thứ hạng về tỷ trọng của các đồng tiền vẫn giữ nguyên sau đợt đánh giá này và đồng nhân dân tệ tiếp tục ở vị trí thứ ba. Các giám đốc điều hành của IMF đồng tình rằng cho đến nay, cả đại dịch và sự phát triển trong công nghệ tài chính đều không có tác động lớn nào đến vai trò tương đối của tiền tệ trong rổ SDR.
Thông thường cứ 5 năm một lần, IMF sẽ xem xét lại số tiền mà mỗi thành viên đóng góp. Lần đánh giá mới nhất muộn hơn khoảng một năm so với dự kiến ban đầu do Covid-19.
SDR được Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra năm 1969, là tài sản dự trữ có tính chất quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. Với sự phát triển của thương mại và tài chính quốc tế, nguồn lực dự trữ chủ yếu bằng vàng và USD của các quốc gia ngày càng không đủ đáp ứng. SDR cung cấp cho các quốc gia thành viên một nguồn lực bổ sung để có thể duy trì tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ.
IMF nhận tiền đóng góp, cộng thêm với các khoản tài trợ khẩn cấp đặc biệt để một số nước thành viên vay, nhằm ổn định cung cầu tiền tệ, tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán ngắn hạn. Các đơn vị tiền tệ được đưa vào rổ SDR phải đáp ứng hai tiêu chí: tiêu chí ngoại thương và tiêu chí sử dụng tự do. Một loại tiền đáp ứng tiêu chí ngoại thương nếu nước phát hành là thành viên IMF hoặc một liên minh tiền tệ bao gồm các thành viên IMF và cũng là một trong năm nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Một loại tiền tệ được IMF xác định có thể sử dụng tự do phải được sử dụng rộng rãi để thực hiện thanh toán cho các giao dịch quốc tế và được giao dịch rộng rãi trên các thị trường hối đoái chính.
Tính đến tháng 8 năm ngoái, tổng cộng 660,7 tỷ SDR (tương đương khoảng 943 tỷ USD) đã được phân bổ. Trong đó, khoản phân bổ lớn nhất lịch sử là khoảng 456 tỷ SDR nhằm giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn trên toàn cầu và giúp các quốc gia đối phó với tác động của đại dịch.
Tiểu Gu (theo Bloomberg)