Ông Dân mất do tuổi cao, sức yếu. Tang lễ được tổ chức tại nhà riêng ở đường Hoàng Diệu, phường Bình Hiên, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng).
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Sa, cho biết nhiều năm làm việc ở quần đảo, ông Dân rất trách nhiệm với việc thu thập tài liệu chủ quyền biển đảo. Hàng năm vào dịp 19/1 (ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa), UBND huyện Hoàng Sa đều đến thăm các nhân chứng.
Khi ông tuổi cao sức yếu, nhân viên huyện đảo đã đến ghi âm, chép tay những câu chuyện kể để thêm tư liệu phục vụ trưng bày, đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Năm 1956, ông Dân nhận lệnh của Ty Khí tượng Đà Nẵng ra làm nhiệm vụ tại Trạm Quan trắc đảo Hoàng Sa, thuộc Đài Khí tượng Sài Gòn. Trạm quan trắc được người Pháp xây dựng từ năm 1932, số hiệu 48860 (nhóm 48 chỉ hoạt động vùng Đông Nam Á; số 860 dùng chỉ trạm Hoàng Sa). Trạm hoạt động từ năm 1938 đến tháng 1/1974.
Trạm có 5 nhân viên, trong đó 3 người làm quan trắc, một người làm vô tuyến điện, người còn lại làm phục vụ. Tuy nhiên, do thường chỉ có 3 người làm việc xoay vòng nên có năm ông Dân ra đảo hai lần.
Năm 1969, do bị bệnh nên ông Dân xin nghỉ việc. Năm 1978, ông được mời làm việc tại Trung tâm Khí tượng Trung ương, đến 1997 thì nghỉ hưu. "Tuổi già, tôi luôn mong Đảng và Nhà nước giải phóng được Hoàng Sa, để những người như chúng tôi có dịp ra thăm Hoàng Sa, vì nhớ Hoàng Sa quá", cụ viết trong cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa (Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông phát hành).
Trong trí nhớ ông Dân khi còn sống, đảo Hoàng Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa) là dải cát vàng khoảng một km2. Trên đảo có 4 lô cốt, một miếu bà xây hướng về Đà Nẵng, một khu nhà cho 20 lính làm nhiệm vụ bảo vệ đảo đồn trú, một đền thờ vua trước cầu cảng, nhà bếp, điện, nước sạch, cây xanh.
Theo ông Lê Phú Nguyện, ở Quảng Nam - Đà Nẵng có 24 nhân chứng là binh lính, nhân viên khí tượng, thuyền viên... từng làm nhiệm vụ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, trong đó ông Dân làm việc lâu năm nhất. Đến nay 9 người đã qua đời.