Khoảng 18h18 ngày 27/7, đám trẻ 10-16 tuổi tại thị trấn Majdal Shams ở Cao nguyên Golan, khu vực do Israel kiểm soát, tập trung tại sân vận động để đá bóng hoặc xem bạn bè vui đùa. Đúng lúc đó, tiếng còi báo động không kích vang lên.
Do đã quá quen với còi báo động liên tục vang lên suốt nhiều tháng qua, Jwan Willy, 14 tuổi, không rời khỏi sân để đến hầm trú ẩn. Bạn bè của cậu trên sân cũng vậy, cả nhóm tiếp tục vui đùa như không có chuyện gì xảy ra.
Chỉ vài giây sau, một tiếng nổ lớn vang lên bên trong sân bóng được quây bằng lưới thép. Một quả đạn từ trên trời lao xuống, khoét hố sâu trên mặt đất và lập tức cướp đi sinh mạng của 12 đứa trẻ trên sân.
Jwan bị thương nhẹ, nhưng cả sân bóng đã biến thành đống đổ nát với những nạn nhân nằm la liệt. Hai người họ hàng của cậu thiệt mạng, thi thể nằm chồng lên nhau giữa sân bóng. Hàng chục em bị thương được đưa vào bệnh viện.
Thi thể của một nạn nhân bị tàn phá tới mức đến đêm khuya hôm đó, giới chức mới có thể nhận diện đó là Jifara Ibrahim, 11 tuổi.
Jwan cho hay cậu đã không khóc, nhưng Samera Willy, 40 tuổi, mẹ cậu, nói rằng con trai vẫn chưa qua khỏi cơn sốc.
Trong lúc làm việc bên ngoài thị trấn, ông Fakhr al-Din nghe thấy tiếng còi báo động. Dù không còn xa lạ với âm thanh đó và cảnh rocket bay trên đầu, lần này ông cảm thấy "có điều gì đó không ổn".
Nghe tiếng nổ rung chuyển từ thị trấn, ông lập tức về nhà, vừa đi vừa gọi điện cho con trai cả Rayan, 13 tuổi, để kiểm tra con có an toàn hay không. Rayan nói rằng cậu và em trai đã chơi trên sân bóng, nhưng rời đi chỉ vài phút trước khi rocket rơi xuống. Fakhr al-Din thấy nhẹ nhõm khi biết hai người con trai vẫn còn sống.
"Nhưng Alma thì sao?", Fakhr al-Din hỏi về cô con gái 11 tuổi.
Hai người con trai nói rằng cô bé có lẽ đã về nhà, nhưng Fakhr al-Din quyết tới hiện trường để kiểm tra.
"Tôi chạy tới sân bóng và ở góc sân, tôi thấy la liệt các thi thể. Khi tiến tới gần, tôi nhận ra chiếc vòng trên cổ tay một cô bé. Đó là lúc tôi biết mình đã mất Alma", Fakhr al-Din kể lại.
Giống Fakhr al-Din, hầu hết người dân trong thị trấn Majdal Shams đều kinh hãi và hoang mang trước vụ tập kích cuối tuần qua. Ngày 28/7, hàng nghìn người đã tới đưa tang cùng gia đình các nạn nhân, bày tỏ sự thương tiếc. Không khí u uất bao trùm khắp thị trấn.
Majdal Shams là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số Druze, được coi là thủ phủ của khu vực. Israel kiểm soát thị trấn này sau chiến tranh Arab - Israel năm 1967, nhưng cộng đồng quốc tế vẫn coi nó cùng các khu vực khác ở Cao nguyên Golan là một phần của Syria.
Trong đám tang tập thể cho 12 nạn nhân, các lãnh đạo tôn giáo và giáo sĩ Hồi giáo đã đọc kinh, cầu nguyện cho người đã khuất. Người dân kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột điên rồ ở Dải Gaza, nguyên nhân chính khiến Israel và Hezbollah tấn công ăn miếng trả miếng dọc biên giới Israel - Lebanon.
Luna, cư dân ở Majdal Shams, đã mất hai người anh em họ trong vụ tập kích. Cô chạy tới sân bóng ngay sau khi tiếng nổ vang lên và nhìn thấy thi thể đẫm máu của người thân. Cô khi ấy không thốt nên lời.
"Tôi thường xem video về các vụ tấn công ở Dải Gaza, nhưng chưa từng nghĩ điều đó sẽ xảy ra với chúng tôi", Luna nói.
Najwan Abu Saleh, cũng sống trong ngôi làng, cho biết mọi người vẫn chưa hết cơn sốc. Saleh gọi vụ tập kích là thảm họa không thể tưởng tượng và người dân vẫn không ngủ nổi sau sự việc.
"Chúng chỉ là những đứa trẻ. Chúng đã làm gì sai?", Saleh nói.
Người dân ở Majdal Shams giờ đây sống trong nỗi sợ hãi không biết điều gì tiếp theo sẽ xảy ra. Các bậc phụ huynh không còn dám để con ra ngoài vì không còn cảm thấy an toàn.
Vụ tập kích ngày 27/7 đánh dấu mức độ leo thang nghiêm trọng nhất ở khu vực biên giới Israel - Lebanon. Nhiều người lo ngại sự cố có thể dẫn tới cuộc xung đột quy mô lớn giữa Israel và Hezbollah.
Israel cáo buộc Hezbollah đã phóng rocket Falaq-1 do Iran sản xuất mang theo đầu đạn nặng 50 kg vào sân bóng. Hezbollah phủ nhận, nói rằng họ không liên quan đến sự việc, dù trước đó thông báo đã tấn công bằng rocket vào vị trí của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Cao nguyên Golan.
Chưa nguôi nỗi đau mất con, Fakhr al-Din nói rằng ông không muốn Israel có những hành động làm tình hình thêm căng thẳng và khiến thêm nhiều trẻ nhỏ phải thiệt mạng. Tất cả những gì ông muốn là quên đi cảnh tượng lần cuối nhìn thấy con.
"Con bé thích nô đùa như bao đứa trẻ khác", Fakhr al-Din nói, chỉ tay vào căn phòng ngủ màu hồng. "Cuối cùng, căn phòng ấy lại thiếu vắng con".
Ngọc Ánh (Theo CNN/AFP/Reuters)