Attaullah Shah sáng 22/8 từ nhà đến trường qua tuyến cáp treo kết nối giữa làng Jangri đến làng Batangi, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, miền bắc Pakistan như thường lệ. Tuyến cáp treo băng qua thung lũng Allai, giúp rút ngắn thời gian di chuyển còn 4 phút, thay vì mất khoảng hai giờ nếu đi đường bộ phía dưới.
Nhưng khi Shah cùng 5 học sinh và hai người lớn đang di chuyển bằng cáp treo, một sợi cáp bị đứt khiến họ mắc kẹt trong cabin ở độ cao 275 m so với mặt đất. "Cháu sợ hãi tột độ và tất cả trẻ em la hét, ôm lấy nhau khi cabin đung đưa. Cháu nghĩ mình chết chắc", Shah kể lại.
Đến chiều, sau gần một ngày mắc kẹt trên cáp treo, Ibrar Ahmed, 13 tuổi, đã nhiều lần mất hy vọng. "Cháu nghĩ mình nhỏ nhất và có thể là người chết đầu tiên", cậu kể lại.
Niềm vui đến với Ahmed lúc 16h, khi quân đội Pakistan điều trực thăng đến giải cứu những người mắc kẹt. Chiến dịch bắt đầu bằng việc sử dụng trực thăng thả dây cáp đưa hai đứa trẻ xuống mặt đất an toàn.
Tuy nhiên, trời lúc đó đã tối, trực thăng buộc phải trở lại căn cứ để đảm bảo an toàn, khiến Ahmed vô cùng thất vọng. Dù vậy, cậu vẫn yên tâm khi lực lượng cứu hộ lắp đặt đèn công suất cao để tiếp tục cuộc giải cứu.
Lực lượng cứu hộ sau đó dùng dây cáp làm đường trượt zipline để giải cứu những người còn lại ngay trong đêm. Hai người lớn được giải cứu cuối cùng sau 16 tiếng mắc kẹt, theo Bilal Faizi, quan chức cơ quan khẩn cấp Pakistan.
Irfanullah, 14 tuổi, và Rizwanullah, 15 tuổi, là hai học sinh đầu tiên được giải cứu bằng trực thăng.
"Cháu có thể nhìn thấy cái chết ngay trước mắt. Gió mạnh và cabin đung đưa. Một bên cabin còn không có cánh cửa. Mọi người gào khóc", Rizwanullah kể lại, thêm rằng Gul Faraz, một trong hai người lớn trong nhóm, đã trấn an rằng tất cả sẽ sống sót.
Faraz, 24 tuổi, cũng là người đã gọi điện thoại cầu cứu anh trai, bạn bè và các giáo sĩ địa phương.
"Điện thoại không bắt được sóng suốt hơn một giờ cabin treo lơ lửng. Ngay khi có tín hiệu, tôi đã gọi tất cả những người mình biết", theo Faraz. Anh không dám bộc lộ sự sợ hãi với nhóm học sinh. "Dù trấn an nhóm học sinh, tôi cũng không nghĩ mình sẽ sống sót. Tình hình khi đó rất hỗn loạn. Và điện thoại của tôi đã giúp tất cả được giải cứu".
Umraiz Khan, cha của học sinh Irfanullah, cho biết giới chức địa phương đã biết cáp treo có vấn đề nhưng họ không xử lý. "Giới chức nên hành động khi họ nắm thông tin, không phải chờ nó trở thành vấn đề mang tính quốc tế", giáo viên địa phương Fayyaz Ali nói.
Nhà vận hành cáp treo thu phí 10 rupee (0,03 USD) mỗi lượt với học sinh, 20 rupee với người lớn. Cảnh sát Pakistan ngày 23/8 đã bắt Gul Zarin, chủ sở hữu cáp treo gặp sự cố, với cáo buộc không tuân thủ các biện pháp an toàn.
Gul Faraz khuyên mọi người luôn mang theo thực phẩm và nước uống khi đi cáp treo để phòng tình huống xấu. Anh kêu gọi chính quyền xây thêm đường và cầu tại khu vực để người dân di chuyển an toàn.
Cáp treo là hình thức di chuyển phổ biến ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa và khu vực Gilgit-Baltistan, miền bắc Pakistan. Hình thức này giúp kết nối các làng, thị trấn trong những vùng không thể làm đường đi lại hoặc sẽ mất nhiều thời gian nếu sử dụng đường bộ.
Một số tai nạn cáp treo đã xảy ra ở Pakistan. Năm 2017, cáp treo ở thị trấn nghỉ dưỡng Murree, cách thủ đô Islamabad hơn 60 km về phía đông bắc, bị đứt khiến 12 người thiệt mạng.
Như Tâm (Theo Guardian, BBC)