Các nghiên cứu từ Hong Kong, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á cho thấy, mất mát trầm trọng về tài chính, đặc biệt là mất việc làm dễ dẫn đến gia tăng bệnh tâm thần hoặc tự tử. Bên cạnh đó, xã hội càng phát triển, càng có nhiều người già không nơi nương tựa, bị bỏ quên, trẻ em phải đương đầu sớm với những khó khăn trong học tập, khả năng hoà nhập kém... cũng là những yếu tố dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều hệ luỵ khác.
Sau đây là một số ít gợi ý về các biểu hiện bất thường trong hoạt động tâm thần hay gặp nhất, theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM.
Đối với bệnh tâm thần phân liệt: tự nhiên không muốn tiếp xúc, tự tách mình với mọi người và người thân, sao nhãng công việc, kể cả vệ sinh bản thân. Đôi lúc nói thầm một cách bí ẩn hoặc khoe khoang, cự cãi những điều phi lý không có trong thực tế...
Đối với bệnh trầm cảm: có biểu hiện stress không vượt qua được, rồi lo lắng những điều nhỏ nhặt mà trước đó có thể cho qua, khó ngủ, hay giật mình, thối chí, khó tập trung hoàn thành công việc, không ham muốn, lặng lẽ thở dài như than thân trách phận... Đây là những biểu hiện rất nguy hiểm. Đáng tiếc, vì công ăn việc làm, nhiều bệnh nhân trầm cảm cố gắng che giấu tình trạng bệnh của mình, chỉ đi khám khi đã quá nặng, nên phải tốn nhiều tiền và thời gian điều trị hơn.
Trẻ già đều có thể bị
Thanh thiếu niên ngày nay cũng chịu nhiều áp lực nên có thể bị stress nhiều hơn và cũng bị trầm cảm như người lớn, nhưng cách thể hiện ra ngoài có khác đôi chút. Đó có thể là sinh hoạt thất thường, tự cư xử với bản thân đôi khi quá đáng, tự buông trôi hay ghét những gì trước kia là sở thích. Tất nhiên là học hành giảm sút, thầy cô phàn nàn... Lưu ý, nhiều bất thường trong hoạt động tâm thần ở thanh thiếu niên xuất phát từ gia đình. Có thể do phụ huynh chưa dành nhiều thời gian tìm hiểu kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi con mình, do bận rộn làm việc để có nhiều tiền hơn cho cuộc sống hiện đại.
Còn ở người già, dễ thấy nhất là bắt đầu quên chỗ để đồ đạc của mình, quên lối đi, quên những điều con cháu nhắc nhở, thích nói chuyện ngày xưa, ăn cơm rồi mà nói chưa... Có người thì nét mặt ngơ ngơ, ngược lại có người hay nghi ngờ bị trộm tiền, thậm chí ghen ghét vô cớ, giận dỗi...
Điều trị: sớm dễ trễ khó
Điều trị bệnh tâm thần rất khó vì người bệnh ít tuân thủ uống thuốc, lại đòi hỏi điều trị thời gian dài nên chi phí nhiều. Cách điều trị tâm thần hiện đại là điều trị ngoại trú, phối hợp với nhiều biện pháp khác như dùng thuốc đặc trị, liệu pháp tâm lý, phục hồi chức năng, hoà nhập từ chính trong gia đình người bệnh tới khu dân cư, cộng đồng... Hiện đã có hầu như đủ các loại thuốc đặc trị đối với các loại bệnh tâm thần thường gặp, nếu được chẩn đoán và dùng đúng thuốc sớm, người bệnh có thể hồi phục. Người bệnh không nên tự chẩn đoán bệnh của mình và tuỳ tiện dùng các loại thuốc điều trị trầm cảm, stress... khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Bệnh nhân tâm thần rất cần sự hỗ trợ, cảm thông từ cộng đồng. Do đó, nếu trong cuộc sống chúng ta gặp những biểu hiện như trên từ người thân, bạn bè hay đồng nghiệp... thì hãy cùng sẻ chia, tâm sự để giúp họ giải toả cảm xúc. Xua tan muộn phiền, mệt mỏi cũng là một cách giảm bớt những triệu chứng về bệnh tâm thần trong nhịp sống hối hả của thời đại. Càng kỳ thị, càng phân biệt đối xử với người bệnh tâm thần thì chi phí chữa trị càng lớn.
Ngoài ra, gần đây nhiều người áp dụng các phương pháp phản khoa học để điều trị, cách này không những tốn công sức, tiền của mà còn tác hại rất lớn đến sức khoẻ, làm tình trạng bệnh nặng thêm.
Theo Sài Gòn tiếp thị