Đầu tháng 4, chị Thu Hiền (Hà Nội) nhận được quảng cáo "Combo du thuyền 5 sao Ambassador và khách sạn ở Hạ Long 3 ngày 2 đêm giá 2 triệu đồng một khách". Sau khi nghe tư vấn, chị chuyển 50% tiền cọc cho 4 khách (4 triệu đồng) để giữ chỗ ngày 15 đến 17/4. Tiền vừa chuyển thành công, đại lý đã chặn Facebook chị Hiền, trong khi vẫn trả lời những người khác.
Theo ghi nhận của VnExpress, các vụ lừa đảo hình thức tương tự khá phổ biến vào dịp lễ Tết hay mùa hè - thời điểm đông người đi du lịch. Những thủ đoạn này không mới nhưng sự nhẹ dạ và thiếu kiến thức khiến khách hàng dễ sập bẫy.
Ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của Best Price, cho biết các trò lừa đảo không chỉ nhắm đến du thuyền nghỉ dưỡng mà còn nhiều dịch vụ khác như vé máy bay, phòng khách sạn, tour. Những trường hợp này thường có điểm chung là mức giá tốt để thu hút sự chú ý khách hàng giao dịch. Ngoài ra, còn có những dấu hiệu khác nhau.
Trường hợp của chị Hiền, người làm nghề sẽ thấy điều bất thường trong mức giá. Hai triệu đồng một người cho chuyến nghỉ dưỡng 2 đêm trên du thuyền 5 sao "là điều không thể". Hiện giá rẻ nhất một đêm cho dịch vụ tương tự dao động từ 2,5 triệu đồng đến gần 4 triệu đồng một người. Chưa kể, du thuyền được quảng cáo hiện có giá vào loại cao nhất ở Hạ Long.
Theo khảo sát tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM 2023) vừa qua, hành trình một đêm của du thuyền trên khoảng 3,8 triệu đồng một người. Một số đơn vị bán chuyến đi trong ngày cũng khoảng 1,3 triệu đồng (đã giảm 200.000 đồng). "Nếu chịu khó tìm hiểu, chỉ cần nhìn qua, bạn cũng biết có lừa đảo hay không", ông Tú nhấn mạnh.
Phần hóa đơn thanh toán không có dấu đỏ cũng là điều cần lưu ý. Ngoài ra, hình ảnh các voucher được chụp gửi khách cũng không thể hiện được đây có phải voucher thật không? Ông Tú khuyên du khách khi nhìn thấy các bài đăng tương tự và muốn giao dịch thì nên gọi điện cho bên cung cấp voucher - trong trường hợp này là du thuyền Ambassador - để kiểm chứng.
Trong một số trường hợp, người lừa đảo còn có thể làm giả cả website của các công ty du lịch để tăng độ uy tín. Bà Đinh Thị Thu Thảo, Giám đốc Kinh doanh Công ty Mustgo Travel, cho biết du khách có thể phân biệt các website giả mạo bằng cách nhìn tên website và tên miền. Thông thường, các website giả sẽ cố bắt chước tên website thật nhưng sẽ thêm hoặc thiếu một số ký tự. Bên cạnh đó, tên miền thường dài, sử dụng ký tự lạ.
Ở cuối website của các trang chuẩn thường có phần "Đã đăng ký với Bộ Công thương", "Đã thông báo với Bộ Công thương". Khi click vào, khách hàng sẽ được chuyển đến hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công thương. Về cơ bản, các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp và uy tín sẽ cần làm thủ tục này để đăng ký bản quyền với Bộ. Những kẻ lừa đảo cũng có thể đăng ký các giấy tờ này nếu chịu đầu tư thời gian, nhưng "quan trọng là trong thời gian hoạt động, bạn có chủ đích lừa đảo không".
Việc lừa đảo "muôn hình vạn trạng" và chắc chắn còn nở rộ khi mùa cao điểm du lịch đến. Do đó bà Thảo khuyên du khách nên liên tục cập nhật và khảo sát giá trước khi quyết định chi tiền.
"Các đối tượng chủ yếu vẫn nhắm vào yếu tố rẻ để thu hút sự quan tâm của du khách. Nếu thấy mức giá rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường, cần đặt ra nghi vấn thay vì "xuống tiền do sợ hết suất", bà Thảo nói.
Tú Nguyễn