![]() |
Chưa đầy 1/300 phôi cừu nhân bản phát triển bình thường. |
Tuyên bố này được đăng trên tạp chí Human Molecular Genetics số ra hôm nay (15/8). Hội chứng "bào thai quá khổ" là hiện tượng nhiều động vật nhân bản lớn bất bình thường trong tử cung và thường chết trước hoặc sau khi sinh. Phổi của chúng cũng kém phát triển và giảm khả năng miễn dịch chống bệnh tật.
Trong nghiên cứu của mình, Randy Jirtle và Keith Killian thuộc Trung tâm Y tế Đại học Duke, Bắc Carolina, nhận định nguyên nhân của tình trạng này có thể nằm ở một gene cụ thể, chịu trách nhiệm chi phối cách thức tăng trưởng của tế bào. Khi nó làm việc không “trơn tru”, các tế bào có thể tăng trưởng quá mức, không kiểm soát được. Điều này cũng dẫn đến việc hình thành các khối u.
Trong sinh sản hữu tính bình thường, con non sẽ nhận được một bản sao của gene này từ cha và từ mẹ. Trên nhiều động vật (không phải là người), một trong hai gene kiểm soát trên nằm ở chế độ “tắt”. Khi nhân bản, con non chỉ nhận được một gene sao chép từ cha hoặc từ mẹ, vì thế, nếu bị ảnh hưởng, gene này sẽ hoạt động rối loạn, không kiểm soát được quá trình tăng trưởng của phôi, hình thành nên "bào thai quá khổ".
Nhưng rất may, linh trưởng không gặp trở ngại đó. Ở người, khỉ hình người và khỉ, gene kiểm soát trên làm việc theo một cơ chế khác hẳn, do đó, khi nhân bản, gene "đơn độc" này vẫn có thể điều chỉnh sự tăng trưởng của bào thai và loại bỏ khả năng “phôi to quá khổ” của các em nhỏ nhân bản.
Theo các nhà nghiên cứu, sự khác biệt này phát sinh khoảng 70 triệu năm trước đây, trong quá trình tiến hoá của loài người, nhằm kiểm soát kích cỡ của trẻ nhỏ trong tử cung của cụ tổ loài người.
Thực tế chưa chứng minh
Nghiên cứu này được đưa ra sau một công bố mới đây của bác sĩ chuyên về sinh sản người Italia, Severino Antinori, rằng ông sẽ bắt tay nhân bản người vào tháng 11 tới, trong nỗ lực giúp các cặp vợ chồng vô sinh có con.
Nhiều nhà khoa học phản ứng mạnh mẽ trước quyết định này, coi đây là một kế hoạch phi nhân tính. Những người từng nhân bản động vật cảnh báo về hàng loạt nguy cơ như chết sớm hoặc sinh ra với các biến dị gene, ung thư... Chẳng hạn ở cừu, chưa đầy 1 trong số 300 phôi thí nghiệm phát triển bình thường. Ngay cả con cừu nổi tiếng nhất thế giới, Dolly, cũng gặp phải vấn đề liên quan đến gene này, nó già đi nhanh chóng và cân nặng quá mức.
B.H. (theo BBC)