43 năm đã trôi qua kể từ lần đầu Boney M xuất hiện trên sân khấu âm nhạc tại Đức. Đến nay, những giai điệu disco mang âm hưởng sôi động, bắt
tai vẫn in đậm trong tâm trí khán giả thập niên 1970, 1980, trong đó có Việt Nam. Bất cứ khán phòng nào họ đến biểu diễn đều hóa thành vũ trường
disco, mê hoặc mọi người lắc lư theo điệu nhạc.
Âm nhạc của Boney M có sức ảnh hưởng lớn, trải dài từ thời đài casette, băng video, đĩa CD cho tới âm nhạc kỹ thuật số hiện đại. Ở các sự kiện như đám cưới, ra mắt sản phẩm hay tiệc chia đãi cuối năm, giai điệu vui nhộn của Daddy cool, Rivers of Babylon hay Ma Baker vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc khuấy động không khí, niềm hứng khởi.
Dưới đây là những nhạc phẩm lừng danh một thời của nhóm Boney M:
"Daddy cool" (1976)
Ca khúc nằm trong album đầu tay của nhóm - Take the heat off me. Tháng 9/1976, Boney M lần đầu trình diễn Daddy cool trên
show Musikladen (Đức), nhạc phẩm lập tức trở thành hit, khuấy đảo các vũ trường và lọt top đầu các bảng xếp hạng châu Âu như: thứ sáu ở Anh; thứ
nhất tại Đức và top 20 Canada.
Lời ca khá đơn giản khi lặp đi lặp lại “Daddy... Daddy cool” nhưng lại thu hút người nghe với tiết tấu vui nhộn, rộn ràng. Giọng hát của Boney M mang đến ngọn lửa hưng phấn, khiến bất kỳ ai cũng muốn nhún nhảy theo. Cũng từ nhạc phẩm này, nhiều người Sài Gòn thập niên 1980, 1990 học theo điệu nhảy disco và gọi vui chiếc xe Chaly là "chaly cúc cu" (đọc chệch từ Daddy cool).
"Sunny" (1976)
Sunny được sáng tác bởi Bobby Hebb, từng được Marvin Gaye và James Brown thể hiện lần lượt vào năm 1966, 1971. Tuy nhiên, chỉ đến khi Boney M phối thêm nhạc disco, ca khúc mới lan tỏa rộng rãi.
Bản nhạc kể về tình yêu đẹp được ví như ánh dương rực rỡ, dẫn lối cho đôi trẻ vượt qua giông bão và những ngày tăm tối. Sunny từng được chọn là nhạc chủ đề phim điện ảnh cùng tên của Hàn Quốc. Trên nền giai điệu dồn dập, vui tươi, bảy cô gái cùng nhau trải qua thời thanh xuân ý nghĩa, cùng ca hát, nhảy múa và cả đánh nhau. Trong những phân đoạn quan trọng, lời nhạc Sunny vang lên, khiến người xem hoài niệm về ngày xưa.
Thập niên 1970, 1980, mỗi khi Boney M biểu diễn, khán đài luôn phủ kín người.
"No woman, no cry" (1976)
Nhạc phẩm do Bob Marley sáng tác và thể hiện. Theo tác giả, ca khúc được dịch là "Hỡi đàn bà, đừng khóc", nhằm an ủi, vỗ về phụ nữ khi người đàn ông của họ quyết định ra đi. Nếu phiên bản gốc trầm buồn, lột tả nỗi đau thì bản cover của Boney M được khen vui tươi, rộn rã nhờ những tiếng vỗ tay, điệu lắc lư và phần bè ăn ý.
"Ma Baker" (1977)
Tác phẩm nằm trong album thứ hai - Love for sale. Lời bài hát được viết dựa trên câu chuyện có thật về gia đình Ma Baker - người mẹ của bốn đứa con trai - chuyên cướp của, bắt cóc và giết người khét tiếng ở Chicago (Mỹ).
Cũng như Daddy cool, Ma Baker tạo điểm nhấn bằng cách xen kẽ lời nói giữa các phần hát, giọng nam tông trầm tương phản với giọng nữ cao, vang. Giai điệu disco pha trộn với Calypso (thể loại nhạc của người gốc Phi ở Caribbean) khiến nhạc phẩm thêm sôi động, thu hút.
"Rivers of Babylon" (1978)
Ca khúc mang âm hưởng thánh ca, giúp Boney M trở thành ban nhạc disco huyền thoại. Lời bài hát bày tỏ khao khát của dân Do Thái lưu vong sau cuộc chinh phục Babylon của Jerusalem năm 586 trước công nguyên. Ngay khi ra mắt, nhạc phẩm chiếm vị trí thứ nhất năm tuần liên tiếp tại Anh, bán được gần hai triệu bản và đoạt giải Bạch kim đến ba lần.
Nhờ giai điệu tưng bừng và khả năng tạo không khí hứng khởi, đến nay, Rivers of Babylon vẫn được phát đi phát lại trong các lễ cưới, họp mặt hay liên hoan.
"Brown girl in the ring" (1978)
Bài hát có nội dung đơn giản, thuật lại trò chơi của trẻ em ở Jamaica. Mọi người tạo thành vòng tròn, nắm tay nhau cùng nhảy và hát theo hướng dẫn của người đứng giữa. Chỉ riêng ở Anh, Brown girl in the ring bán được hơn hai triệu bản, là đĩa đơn bán chạy thứ hai trong lịch sử nước này.
"Rasputin" (1978)
Bài hát nói về nhân vật có thật - Rasputin - người bạn kiêm cố vấn của Sa hoàng Nicholas II những năm đầu thế kỷ 20. Ông ta được mô tả như một kẻ ăn chơi, có thể chữa bệnh thần bí và là chuyên gia thao túng chính trị. Sau này ông bị ghép tội dan díu với mẹ của Sa hoàng nên bị ám sát. Ca khúc gây tranh cãi và bị cấm lưu hành ở Nga. Tuy nhiên, Boney M vẫn được chào đón khi đến nước này lưu diễn.
Rasputin gây tiếng vang tại châu Âu khi dùng nhạc cụ truyền thống của dân tộc Nga - balailaika - để hòa âm. Boney M còn dùng cả nhạc khiêu vũ của người Cossack (Trung Á) để tạo tiết tấu sôi động và thúc giục.
"Mary's boy child - Oh my Lord" (1978)
Ca khúc có giai điệu vui tươi, rộn rã khi kết hợp giữa Mary’s boy child của Harry Belafonte (viết năm 1957) và sáng tác của Farian -
Oh my Lord. Tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc ở Anh bốn tuần liên tiếp và bán được một triệu bản. Đến nay, đây vẫn là một trong
những ca khúc Giáng sinh hay nhất mọi thời.
"Hooray! Hooray! It's a Holi-Holiday" (1979)
Hè năm 1979, Boney M lại tiếp tục thống trị các bảng xếp hạng với Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday. Từ lời ca, giai điệu đến cách thể hiện đều tràn đầy sức sống, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Bản cover của nhóm được chọn là một trong những ca khúc hay nhất về chủ đề mùa hè.
"Gotta go home" (1979)
Nhạc phẩm nằm trong album thứ năm - Oceans of Fantasy. Nội dung kể câu chuyên có thật: người đàn ông Tây Ban Nha phàn nàn rằng ông đã bị kết án sai tội giết người và muốn trở về nhà. Điệp khúc "Gotta go home, home, home" hay "Going back home" nhiều lần xuất hiện, nói lên khao khát của người đàn ông về sự tự do và đoàn tụ.
"Bahama Mama" (1979)
Giai điệu vui nhộn của Bahama Mama mê hoặc nhiều thế hệ ngay từ nốt nhạc đầu tiên. Nhờ sự lan tỏa của Boney M, địa danh Bahamas trở nên quen thuộc khắp thế giới, dù nhiều người không biết đất nước này nằm ở đâu.
Nội dung nói về bà mẹ Bahamas đang muộn phiền vì có sáu cô con gái chưa chồng, dù nhà của họ lớn nhất thành phố. Lời bài hát khuyên các chàng
trai nên đến đó, bởi những cô gái ấy rất ngọt ngào và đáng yêu, họ nhất định sẽ mời bạn bánh nướng mật ong và biết đâu sẽ nảy nở một cuộc
tình...
Jingle bells
Nhạc phẩm ra đời từ năm 1840, do nhạc sĩ James S. Pierpont (Mỹ) sáng tác dành riêng cho Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, Jingle bells lại bị nhầm thành nhạc Giáng sinh do biểu diễn thành công lần đầu tiên vào tối 24/12. Từ đó về sau, ca khúc gắn liền với ngày Chúa sinh ra và được phổ biến toàn thế giới.
Jingle bells được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ và được thể hiện bởi nhiều nghệ sĩ theo các phong cách khác nhau. Tại Việt Nam, phiên bản của nhóm Boney M đã đi sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ. Màn thể hiện của nhóm nhạc Đức không quá mạnh mẽ, ồn ào mà vẫn toát lên sự hứng khởi, rộn ràng của ngày Giáng sinh.
Boney M phiên bản 1975 (trái) và 2016 (phải).
Ngoài những nhạc phẩm trên, Boney M còn "làm mưa, làm gió" với loạt ca khúc đình đám như: Belfast (1977), I'm born again (1979), Children of paradise (1980), The carnival is over, Going back West, Zion's daughter, We kill the world (1982) Fantastic Boney M, Happy song (1984)...
Boney M thành lập tại Đức vào năm 1975, nổi danh với dòng nhạc disco sôi động. Ban đầu nhóm có bốn người: Liz Mitchell, Marcia Barrett, Maizie Williams và Bobby Farrell. 43 năm qua, nhóm nhiều lần thay đổi thành viên nhưng giọng ca chính - Liz Mitchell - vẫn gắn bó đến bây giờ.
Thi Quân
Ngày 9/8, Boney M sẽ có mặt tại Vinpearl Land Nha Trang trong live show "Lửa mùa hè - Boney M". Nhóm sẽ
tái hiện hơn 20 ca khúc từng gây sốt một thời. Đêm nhạc dự kiến thu hút gần 10.000 khán giả. Theo ban tổ chức, sự kiện hứa hẹn trở thành “sàn
disco trên đảo” hoành tráng với sân khấu dàn dựng công phu, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng hiện đại.