Trên trang People Daily đầu tháng 1, Hứa Kính Thanh, 81 tuổi, cho biết đã 40 năm từ khi ông bắt tay viết nhạc cho Tây du ký, đến nay, một số bài hát vẫn được yêu thích, làm ông vừa bất ngờ vừa phấn khích.
Hứa Kính Thanh sáng tác giai điệu cho 14 ca khúc ở Tây du ký, gồm bài đầu, cuối phim và những bản trong các tập như Nữ Nhi Quốc, Thu phục thỏ ngọc ở Thiên Trúc. Mỗi bản đều gắn liền kỷ niệm của nhạc sĩ.
Bài Tình nhi nữ trong phần thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh ở Nữ Nhi Quốc được tác giả viết trong vài chục phút. Khi đọc phần lời do Diêm Túc viết, nhạc sĩ nhớ về cô gái đầu tiên làm ông rung động - nữ sinh xinh đẹp nhất trong trường cấp ba ông từng học. Tình cảm trong sáng, dịu ngọt của mối tình đầu làm giai điệu cứ tự nhiên hiện lên trong đầu ông, tuôn chảy như nước suối, ông không mất thời gian suy nghĩ.
Tuy nhiên, sau bốn thập niên, Hứa Kính Thanh vẫn đau đáu về hai chữ trong lời bài hát, ở câu: "Khẽ hỏi thánh tăng, em gái này có đẹp hay không?". Ông cho rằng nên đổi lại thành "Khẽ hỏi anh, em gái này có đẹp hay không", vì ở bộ phim, nữ vương (Chu Lâm đóng) gọi Đường Tăng là "Ngự đệ ca ca". Tuy nhiên, đạo diễn Dương Khiết để "thánh tăng" vì quan điểm giữ sự trang trọng, tôn nghiêm của Đường Tăng.
Bản nhạc tốn nhiều thời gian sáng tác nhất của Hứa Kính Thanh là Vân cung tấn âm - khúc mở đầu phim. Đạo diễn Dương Khiết yêu cầu bản mở màn chỉ có nhạc, không lời, dài đúng hai phút 40 giây. Ban đầu, Hứa Kính Thanh không biết nên chọn chủ đề gì, vì tiểu thuyết Tây du ký nội dung đồ sộ, lượng nhân vật lớn.
Theo nhạc sĩ, chưa ai từng nhìn thấy Tôn Ngộ Không vì thế, ông muốn âm nhạc của phim phải mang hơi thở thật mới mẻ. Nhạc sĩ xác định không dùng nhạc cụ dây, bộ đồng mà chọn đàn tổng hợp âm thanh, trống điện tử. Bấy giờ cả Bắc Kinh chỉ có một bộ trống điện tử.
Những âm thanh đầu tiên của Vân cung tấn âm ra đời từ liên tưởng của nhạc sĩ với tiếng gõ của công nhân lên hộp cơm. Tuy nhiên, sau câu đầu, ông bị nghẽn dòng cảm hứng, không thể viết thêm. Nhạc sĩ nhiều đêm mất ngủ, khiến vợ ông hỏi: "Anh, sáng tác bài này còn khó hơn chúng ta sinh con hả?". Hứa Kính Thanh: "Em bé ở trong bụng em, còn bụng anh không có em bé nào để sinh".
Có lần trong lúc chập chờn, một giọng nữ vang lên trong đầu nhạc sĩ, như từ cõi tiên. Ông bật dậy, ghi lại những nốt nhạc, từ đó, hoàn chỉnh bản mở đầu.
Khi viết nhạc cuối phim, việc đầu tiên của Hứa Kính Thanh là học thuộc lời bài hát mà Diêm Túc đã hoàn thành. Ông ấn tượng sâu đậm với hai câu "Biết bao mùa xuân thu đông hạ, biết bao lần cay đắng ngọt bùi", quyết tâm dùng giai điệu hay nhất mà bản thân có thể nghĩ ra để thể hiện tinh thần bài hát.
Cảm hứng sáng tác bất chợt đến khi Hứa Kính Thanh ngồi trên xe bus đến nơi làm việc. Ngang qua một khu chợ, nhìn người gánh hàng, nông dân bán rau củ quả, nhạc sĩ nghĩ: "Con người ta sống để làm gì? Một đời người đầy khổ đau, ai cũng phải vươn lên, phấn đấu".
Cha Hứa Kính Thanh mất sớm, hồi nhỏ, ông cùng mẹ nhặt rác mưu sinh, mẹ chật vật nuôi ông đến khi tốt nghiệp đại học. Nghĩ đến đó, nhạc sĩ vô cùng xúc động, giai điệu của hai câu "Biết bao mùa xuân thu đông hạ, biết bao lần cay đắng ngọt bùi" ra đời từ đó.
Vừa xuống xe bus, Hứa Kính Thanh tìm bút để ghi lại giai điệu nhưng không có. Ông cuống quýt, vừa may một học sinh đi ngang, Hứa Kính Thanh mượn bút của cậu bé để ghi lại trên giấy gói bao thuốc lá. Về văn phòng, nhạc sĩ hoàn chỉnh bài Xin hỏi đường ở nơi nào trong nửa tiếng.
Tây du ký bấm máy ngày 3/7/1982, sau đó được phát thử tập Trừ yêu ở nước Ô Kê vào tháng 10 cùng năm. Từ năm 1986, phim được phát trọn vẹn trên truyền hình, gây tiếng vang tại nhiều quốc gia châu Á, được đánh giá cao về nội dung, diễn xuất, trang phục, âm nhạc. Hứa Kính Thanh cho biết khi sáng tác, trong mơ ông cũng không tưởng tượng được người nước ngoài cũng thích các bài hát trong phim, làm ông nhận ra sức mạnh của âm nhạc.
Nghinh Xuân