Nhạc sĩ Xuân Phương qua đời sáng 29/11, ở tuổi 50, khiến đồng nghiệp bàng hoàng, thương tiếc. Nhiều bạn bè hoài niệm về một thời gắn bó với nhạc sĩ.
Thời sinh viên ở Hà Nội, Xuân Phương cùng Trần Tuấn Hùng, Thế Hiển và vài người bạn lập ban nhạc đầu tiên - No Smoking. "Nhóm tập hợp những người không hút thuốc lá, chẳng biết chọn tên gì nên đặt là No Smoking. Chúng tôi tập tành với nhau được một năm thì tan rã", Trần Tuấn Hùng cho biết.
Hồi đó, Xuân Phương đi xe đạp thể thao màu trắng, sau đó được bố mẹ mua cho một chiếc Honda xám. Cuối tuần, họ hay bắt tàu về nhà Tuấn Hùng ở thành phố Hải Phòng rồi đạp xe đi Đồ Sơn. Một lần, Xuân Phương nói: "Biết vì sao người nước ngoài da đẹp không, vì họ phơi nắng". "Cả hội nghe lời anh Phương, nằm ườn ra phơi mà không biết phải bôi kem, cuối cùng da cháy nắng, đỏ như tôm luộc", Tuấn Hùng kể.
Sau thời No Smoking, nhạc sĩ Xuân Phương lại chơi trong ban nhạc Chìa Khóa Vàng cùng Hoài Phương, Bằng Kiều. Họ thường tập nhạc xuyên đêm để đi biểu diễn ở quán bar, khách sạn, sự kiện dành cho sinh viên. "Nhiều hôm thù lao chia đều không đủ xăng xe, ăn khuya, phải bỏ tiền túi. Dù vậy, chúng tôi luôn thấy vui vẻ khi được chơi nhạc cùng nhau", Hoài Phương nói.
Trong mắt Hoài Phương, tác giả Mong ước kỷ niệm xưa có tài, đẹp trai và nghiêm túc với công việc nhất ban nhạc. Bố mẹ của cả hai có mối quan hệ thân thiết nên anh thường qua nhà Xuân Phương ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội tập nhạc. Những năm gần đây, cả hai ít trò chuyện bởi Hoài Phương sang Mỹ sống.
Nhạc sĩ Thế Hiển chơi thân Xuân Phương từ nhỏ, do bố của hai người là nhạc sĩ Thế Song và nghệ sĩ Xuân Tứ vốn cùng thế hệ, hay qua lại. "Xuân Phương vô tư, vui vẻ, yêu ghét rõ ràng. Phương thích ai thì sẽ hết lòng, nhường nhịn, nên chẳng bao giờ có chuyện bạn bè giận hờn, cãi vã", Thế Hiển nói.
Xuân Phương được đồng nghiệp đánh giá là nhạc sĩ tài năng, nghiêm túc, không thích xô bồ. Nhạc sĩ Thế Hiển nhận xét anh vừa chơi nhạc cụ hay lại sáng tác giỏi: "Phương ban đầu học piano sau đó chuyển sang khoa sáng tác. Những năm 1990, cậu ấy là tay keyboard hàng đầu trong các ban nhạc ở Hà Nội. Phương tài năng, yêu cái đẹp, chỉ viết những gì mình thích. Phương sáng tác rất nhiều, có vô số bài hay nhưng đôi khi viết xong, cậu ấy còn không giới thiệu với khán giả".
Nhạc sĩ thường vô tư giúp đỡ đồng nghiệp. Khi Trần Tuấn Hùng cùng Trần Lập thành lập ban nhạc Bức Tường năm 1995, nhạc sĩ Xuân Phương, lúc ấy đã là dân chuyên nghiệp, dành nhiều thời gian giúp đỡ ban nhạc sinh viên của đàn em.
Anh tham gia thu âm phần keyboards cho album Tâm hồn của đá, viết tặng nhạc bài Nếu em hiểu (Trần Lập viết lời). Liveshow đầu tiên của nhóm năm 2002, nhạc sĩ còn cùng Bức Tường biểu diễn trên sân khấu. Phần keyboard của Xuân Phương đến nay vẫn được Bức Tường dùng làm nhạc mở đầu trong nhiều màn biểu diễn.
Đạo diễn Khải Hưng biết Xuân Phương qua Đỗ Thanh Hải. Thấy nhạc sĩ sáng tác ca khúc cho các phim Của để dành (bài Lời ru cho con), Xin hãy tin em (bài Mong ước kỷ niệm xưa), ông nhờ anh viết nhạc cho phim của mình.
Đạo diễn nhận xét nhạc phim của anh có màu riêng, hài hòa với tác phẩm nhưng vẫn có dấu ấn cá nhân, đều là những giai điệu êm ái, dễ đi sâu vào lòng người. Ông ấn tượng nhạc sĩ khiêm tốn, cầu thị và "chưa bao giờ sai hẹn". Với thù lao, Xuân Phương không bao giờ mặc cả mà "có ít lấy ít, có nhiều lấy nhiều".
"Phương rất tài năng, có một kho nhạc lớn trong đầu. Khi tôi nói yêu cầu của mình, cậu ấy chỉ việc chọn lấy ra", đạo diễn cho biết. Lần gần nhất trò chuyện, ông nói đã mua bản quyền nhạc của 30 phim mà Xuân Phương viết, nhạc sĩ cười nói ông "cứ lấy thoải mái". "Chia tay người đi cùng mình 20 năm qua, tôi hụt hẫng, chợt nghĩ: 'Giờ làm phim thì biết tìm ai viết nhạc''', đạo diễn Khải Hưng nói.
Tùng Sax là học trò của nhạc sĩ Xuân Phương tại Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). "Ở trường, thầy là người có chuyên môn cao, giữ chức chủ nhiệm khoa âm nhạc. Các thí sinh của trường mỗi khi thi Sao Mai đều được thầy hòa âm phối khí, hướng dẫn. Ngoài đời, thầy như người anh dí dỏm với nụ cười luôn thường trực", Tùng Sax nhớ.
Những năm cuối đời, Xuân Phương ít tụ tập người quen, tập trung giảng dạy. Thỉnh thoảng, anh vẫn nhắn tin hỏi han bạn cũ, nhưng giấu kín chuyện bệnh nặng.
Ngọc Anh 3A cho biết dự định gặp nhạc sĩ dịp cuối năm, xin hát lại ca khúc Nhớ mãi trong tim, từng biểu diễn cùng ban nhạc Chìa Khóa Vàng. Tiễn biệt Xuân Phương, ca sĩ ngân nga lại những câu hát trong ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa của Tam ca 3A một thời:
"Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm
Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi
Và trong những kỷ niệm xưa".
Lễ viếng nhạc sĩ diễn ra vào 11h30 ngày 1/12 tại Nhà tang lễ Số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu diễn ra lúc 12h30 cùng ngày. Thi hài nhạc sĩ được an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng Viên, Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ.